Chi tiết bài viết
Chi tiết bài viết

Mạc Ngôn: Từ nhà văn, nhà biên kịch đến giải Nobel

Mạc Ngôn: Từ nhà văn, nhà biên kịch đến giải Nobel “Tôi không phải Lỗ Tấn, cũng không phải Mao Thuẫn, cải biên tác phẩm của họ phải trung thực với nguyên tác, còn cải biên tác phẩm của Mạc Ngôn thì muốn sửa thế nào thì sửa”.

Sổ tay tự học dịch tiếng Trung

Thư tín trong thương mại

Lịch sử của cà-phê

Công thức nấu ăn

Đơn vị tiền tệ các nước

-----

Nhà văn Mạc Ngôn (Ảnh Internet)

 

 Kịch bản “Cao lương đỏ” - muốn sửa thế nào thì sửa!

Ở Trung Quốc, cứ 10 người biết Mạc Ngôn đoạt giải Nobel, có thể chỉ 5 người đã từng đọc tác phẩm của ông, nhưng chắc chắn có đến 9 người đã từng xem phim “Cao lương đỏ” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên của Mạc Ngôn đi vào điện ảnh, thực ra trước đó, tác phẩm “Củ cải đỏ trong veo” của ông tuy đã được một xưởng phim ở Tây An chọn, Mạc Ngôn còn đã viết xong đại cương kịch bản, nhưng vì nhiều lý do mà tác phẩm đó không được đưa lên màn ảnh.

Hồi đó, khi người vợ trước của Trương Nghệ Mưu đọc đến tác phẩm mới nhất của Mạc Ngôn được giới thiệu trên Tạp chí văn học ở thư viện, bà đã mang về cho Trương Nghệ Mưu xem. Sau khi cuốn tiểu thuyết này chính thức được xuất bản vào tháng 3/1986, trên Văn đàn đã dấy lên một cơn sóng và được độc giả bình chọn là “Tác phẩm được yêu thích nhất” của năm. Trương Nghệ Mưu đọc xong tác phẩm như vớ được kho báu, ông quyết định tìm đến Mạc Ngôn để bàn chuyện cải biên thành điện ảnh.

Hai người bàn về chuyện hợp tác trong chưa đến 10 phút. Với thái độ “Phim hay thì vinh dự thuộc về Trương Nghệ Mưu, phim dở cũng chả ảnh hưởng đến mình”, Mạc Ngôn không hề đưa ra bất kỳ yêu cầu nào về việc cải biên tác phẩm này, “Tôi không phải Lỗ Tấn, cũng không phải Mao Thuẫn, cải biên tác phẩm của họ phải trung thực với nguyên tác, còn cải biên tác phẩm của Mạc Ngôn thì muốn sửa thế nào thì sửa”. Sau đó Mạc Ngôn cũng tham gia vào quá trình cải biên tác phẩm trước sự khích lệ của Trương Nghệ Mưu, Trần Kiếm Vũ - Xưởng trưởng Xưởng phim Phúc Kiến và Chu Vĩ cùng chịu trách nhiệm về kịch bản đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra: Trương Nghệ Mưu đã sửa kịch bản quá nhiều, chỉ riêng cảnh khiêng kiệu kinh điển, trong tiểu thuyết chỉ được miêu tả bằng một câu, nhưng trong phim phải diễn đủ trong 5 phút.

Ngoại cảnh của phim “Cao lương đỏ” được chọn ở huyện Cao Mật, quê hương của Mạc Ngôn. Do cây cao lương đỏ ở vùng đó không được giống với kịch bản, Trương Nghệ Mưu đã cử phó đạo diễn đi cùng với nguyên Xưởng trưởng Xưởng phim Tây An, mang theo 4 vạn NDT, mạo hiểm thương lượng với Chính quyền và nông dân ở Cao Mật trồng 100 mẫu cao lương với giá 250-300NDT/mẫu. Trước khi bấm máy, Mạc Ngôn có mời các thành viên của tổ làm phim về nhà ăn cơm. Lúc đó, Mạc Ngôn không hề có chút ấn tượng nào với Củng Lợi-vai nữ chính trong phim, ông cảm thấy “Bà mợ” này đáng ra phải là một bông hồng có gai, đẹp rạng ngời, nhưng Củng Lợi lại mang dáng dấp một nữ sinh hơn, ăn cơm ở nhà ông mà mặt mày nhăn nhó. Ông lo cho bộ phim sẽ thất bại vì Củng Lợi, nhưng kết quả sự thành công vang dội của “Cao lương đỏ” đã làm ông thật sự “kinh ngạc”.

Cảnh trong phim "Cao lương đỏ" (Ảnh Internet)

Năm 1988, “Cao lương đỏ” đoạt giải Gấu vàng ở LHP Berlin, đây là lần đầu tiên điện ảnh TQ bước lên vũ đài quốc tế, tác phẩm chuyển thể thành điện ảnh đầu tiên của Mạc Ngôn được quốc tế công nhận. Sau khi phim được công chiếu ở TQ, tuy giá vé chỉ vài hào, nhưng sự thành công của phim đã khiến Trương Nghệ Mưu phát biểu rằng: “Cần phải cảm ơn cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của Mạc Ngôn”

 “Cao lương đỏ” là một trong những tác phẩm điện ảnh cải biên mà Mạc Ngôn khá hài lòng. Tháng 9/2006, tại Lễ trao Giải văn hóa Châu Á lần thứ 17 tại  Fukuoka Nhật Bản, Mạc Ngôn đã phát biểu: “Tiểu thuyết cải biên thành điện ảnh là nghệ thuật của sự lựa chọn, đạo diễn giỏi có thể nhặt ra những tinh hoa trong đó, đạo diễn tồi thì chỉ nhặt ra được rác rưởi. Trương Nghệ Mưu là một đạo diễn tuyệt vời, ông đã nhặt hết tinh hoa của tác phẩm. Dạo trước có người muốn cải biên “Cao lương đỏ” thành phim truyền hình, nhà biên kịch đã tìm đến tôi và trách rằng Trương Nghệ Mưu thật quá đáng, những gì dùng được của tác phẩm, ông ta dùng hết rồi, thật sự không còn gì có thể cải biên được nữa”.

Thành công và thất bại

Nhớ lại về bộ phim “Cao lương đỏ”, Mạc Ngôn cảm thấy như một mối lương duyên, vì đó là sự mở đầu cho con đường đến với điện ảnh của những tác phẩm văn học của ông, mặc dù vẫn có những sự hợp tác không thành công.

Những năm 90, sau khi làm xong phim “Đèn lồng đỏ treo cao”, Trương Nghệ Mưu lại tìm đến Mạc Ngôn, yêu cầu ông lại viết kịch bản điện ảnh. Trương Nghệ Mưu đưa ra hai yêu cầu: thứ nhất, là đề tài nông thôn; thứ hai, là phải có đại cảnh, và Mạc Ngôn đã viết “Hoa bông trắng”. Đây là câu chuyện kể về sự hợp tan đầy niềm vui và nước mắt của một đôi nam nữ làm việc trong xưởng bông. Trương Nghệ Mưu đã không hài lòng với tác phẩm này với lý do, khi sáng tác, Mạc Ngôn đã quá nghiêng về chất điện ảnh mà quên đi chất văn học. Nhưng khoảng 5-6 năm sau, tác phẩm này đã được một đạo diễn Đài Loan chuyển thể thành phim do Tô Hữu Bằng và Ninh Tĩnh thủ vai chính. Sau đó, Trương Nghệ Mưu lại muốn làm phim Sở Hán tranh hùng, thế là Mạc Ngôn lại chấp bút cho tác phẩm “Anh hùng, mỹ nhân, tuấn mã”, nhưng cái tên này lại đã thể hiện hết nội dung câu chuyện, nên đã được đổi thành “Bá Vương biệt Cơ”.

Năm 1994, Mạc Ngôn hợp tác với đạo diễn Nghiêm Hạo của HongKong trong phim “Dòng thời gian”, đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của Nghiêm Hạo. Cùng năm đó, sự hợp tác của họ đã một lần nữa giúp Mạc Ngôn được vinh danh trên trường quốc tế - Phim “Mặt trời có tai” được cải biên từ tác phẩm “Cô gái khoác lụa hồng” đã đoạt giải Gấu bạc tại LHP Berlin.

Suốt những năm 1990, Mạc Ngôn đã viết không biết bao nhiêu kịch bản phim truyền hình, ví dụ như “Mộng đoạn tình lầu”, “Rừng đỏ”, “Lương tâm làm chứng”, “Chuyện cũ của các ông anh”…nhưng hầu như không vui vẻ trong quá trình hợp tác.

Năm 2003, Hoắc Kiến Khởi xúc tiến hợp tác với Mạc Ngôn, từ tiểu thuyết “Cái đu của con chó trắng” đã cải biên thành kịch bản phim “Noãn”. Bộ phim này đã liên tiếp giành được giải thưởng lớn ở LHP Kim kê Bách hoa và LHP Tokyo lần thứ 16. Ông từng cho rằng, nếu ở vào thập niên 90 thì “Noãn” chưa chắc đã được đón nhận. Nhưng thời điểm phim ra đời là đầu thế kỷ 21, đó là lúc người ta trở về với hoài niệm nên phim đã được đánh giá cao. Cũng vì thế mà Mạc Ngôn cảm thấy, mỗi bộ phim, mỗi cuốn tiểu thuyết đều có vận mệnh như một con người.

Phim “Mặt trời có tai” tuy được Giải Gấu bạc ở LHP Berlin, nhưng Mạc Ngôn cũng không thật hài lòng: “Tôi có tham gia biên kịch, đương nhiên phía HK cũng có vài người tham gia, họ cũng đã cải biên vài lần. Nhưng tôi cảm thấy không thành công, rất nhiều ý tưởng của tôi khác xa với đạo diễn, nên cuối cùng tôi rút lui, dù gì thì về cơ bản, họ vẫn làm phim theo mạch truyện của tôi”. Mạc Ngôn cũng đã nhiều lần lên tiếng không chấp nhận sự cải biên của phim “Khoảnh khắc hạn phúc”, vì ông tiếc rằng đạo diễn đã bỏ đi rất nhiều chi tiết có giá trị trong tác phẩm.

Sau nhiều lần hợp tác với ông, Trương Nghệ Mưu cũng đã ý thức được vấn đề cải biên: “Trương Nghệ Mưu nói với tôi rằng, nhà văn các anh viết không hay có thể xé bản thảo vứt vào thùng rác rồi viết lại, còn phim của các đạo diễn như ngồi trên lưng hổ, dù biết rõ là không hay nhưng vẫn phải coi đó là một kiệt tác để làm phim”.

Khi viết “Sống đọa thác đày”, Mạc Ngôn hoàn toàn không xét đến việc có thể cải biên thành phim điện ảnh hoặc phim truyền hình hay không, “Nếu xuất phát điểm cấu tứ của tiểu thuyết là để cải biên thành kịch bản thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá trị văn học của tiểu thuyết. Khi viết “Rừng đỏ”, tôi được yêu cầu đưa ra kịch bản trước rồi dựa vào đó để viết tiểu thuyết. Kết quả sau đó đã chứng minh: Bộ phim là tác phẩm thất bại.”

Mạc Ngôn còn có hai tác phẩm truyện dài là “Đàn hương hình” và “Sống đọa thác đầy”, theo ông đánh giá, đây là hai tác phẩm phù hợp để cải biên, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đạo diễn nào hỏi đến, đó là điều đáng tiếc.

Với hơn 200 tác phẩm từ tiểu thuyết đến ký sự, phóng sự, tùy bút đã ra đời, từ hàng chục tác phẩm được chuyển thể thành phim, từ sự dung dị trong đời sống đến những tư tưởng triết lý sâu sắc được thể hiện qua những tác phẩm gắn liền với hiện thực xã hội, nhờ khả năng sáng tác đó mà ông đã vinh dự là nhà văn Trung Quốc đại lục đầu tiên được nhận Giải Nobel văn học năm 2012. (LDTTg dịch)

Nguồn: Điện ảnh Việt Nam (T10/2012)                                                                               

Thông tin cho các bạn thật sự cần học dịch văn bản tại đây!