Chi tiết bài viết
Chi tiết bài viết

Cuộc đời vị Cách Cách cuối cùng của TQ

Cuộc đời vị Cách Cách cuối cùng của TQ Bà là cháu gái của Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi. Năm 19 tuổi, Kim Mặc Ngọc đã từng có một kế hoạch cho tương lai của riêng mình, là mơ ước được trở thành một nữ ký giả hoặc một ca sĩ, mơ ước này đã một phen làm cho các bậc trưởng lão trong vương phủ phát hoảng.

Hướng dẫn tự học chữ phồn thể

Dịch Việt - Trung cần chú ý những gì?

Một số từ vựng về nguyên tố hóa học

Một số từ vựng về nguyên vật liệu

Một số từ vựng về công cụ cầm tay

Từ điển thương mại

Từ điển kỹ thuật

Sổ tay tự học dịch tiếng Trung

***********

 

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

VỊ CÁCH CÁCH CUỐI CÙNG CỦA TRUNG QUỐC

Bà là cháu gái của Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi.

Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng bà Kim Mặc Ngọc vẫn giữ được thói quen sinh hoạt của thời thanh niên: 6 - 7 giờ sáng mới đi ngủ, 2 - 3 giờ chiều mới dậy. “Đánh tenis, đánh bóng chuyền, thi chơi golf đều vào buổi đêm” – bà cười nói vô tư như một đứa trẻ.

Cha của Kim Mặc Ngọc là Ái Tân Giác La Thiện Kỳ – Túc thân vương đời thứ 10, một trong Bát đại thân vương truyền đời của triều Thanh. Túc thân vương có một chính phi, 4 thứ phi, ông có 38 người con, 21 trai và 17 gái. Thứ phi thứ 4 nhỏ tuổi nhất sinh được 3 cô con gái, Kim Mặc Ngọc là con gái út, có tên Mãn Thanh là Ái Tân Giác La Hiển Kỳ.

Kim Mặc Ngọc không kịp được hưởng thời kỳ thịnh vượng của Túc vương phủ. Thời đó ở Bắc Kinh có lưu truyền câu ca rằng: “Nhà của Cung vương phủ, tường của Dự vương phủ, bạc của Túc vương phủ phải đong bằng đấu”. Năm 1918 khi Kim Mặc Ngọc ra đời, cha bà đã bị đi lưu vong ở vùng Đông Bắc 6 năm. Tuy là lưu vong, nhưng cuộc sống của vương thất vẫn rất quy củ trong suốt một thời gian dài, nhất là đối với các cô con gái. Trong các bữa tiệc, Kim Mặc Ngọc và các cô chị thậm chí còn không được gắp các món ăn bày ở xa, hành động được cho là thiếu mỹ quan đó thường giao cho các bà vú, các bà vú gắp chút thức ăn vào một chiếc đĩa nhỏ và đưa cho họ. Trong các bữa tiệc ấy, các vị cách cách luôn ăn không được no, nhưng cũng không dám để lộ ra, mà phải chịu đựng cho đến khi về nhà, các bà vú lại phải làm cho các món ăn khác.

Đối với các loại quy định trong vương phủ, các anh chị em của Kim Mặc Ngọc đều phải chấp hành vô điều kiện, nhưng cô bé được các anh chị đặt cho biệt danh là “ngang bướng” Kim Mặc Ngọc lại muốn có nhiều đặc quyền hơn, ví như dứt khoát không chịu để bà vú đi theo “quản lý” mỗi khi ra ngoài như các chị.

Năm 19 tuổi, Kim Mặc Ngọc đã từng có một kế hoạch cho tương lai của riêng mình, là mơ ước được trở thành một nữ ký giả hoặc một ca sĩ, mơ ước này đã một phen làm cho các bậc trưởng lão trong vương phủ phát hoảng. Nhưng vị cách cách thứ 17 này cũng cố chấp giống hệt cha. Năm 1937, khi xảy ra Đại chiến thế giới lần thứ hai, Kim Mặc Ngọc phải bỏ học ở Nhật Bản để quay về Bắc Kinh. Bà đã giấu gia đình đi xin việc làm cố vấn cho một công ty Nhật Bản, lương cao và…không cần thường xuyên có mặt ở công ty. Cô gái Kim Mặc Ngọc vốn được chiều chuộng từ nhỏ nên rất hào phóng trong việc chi tiêu. Tháng nào cô cũng lĩnh lương trước để mua đồ mời các đồng nghiệp nên cuối tháng toàn phải bù tiền trả công ty. Lúc đó, Kim Mặc Ngọc không thể hình dung ra được sẽ có ngày cô phải đan áo len để nuôi cả gia đình 9 người; sẽ có ngày cô chỉ nhận được 19 đồng 5 hào mỗi tháng, đến nỗi ăn một bát mỳ cũng phải đắn đo.

 

TỔNG HỢP LINK VỀ KINH NGHIỆM, HƯỚNG DẪN HỌC TIẾNG TRUNG

Năm 1949, quân giải phóng tiến vào thành phố, thập thò sau bức tường Tứ hợp viện ngắm nhìn các chiến sĩ quân giải phóng oai vệ trong bộ quân phục, Kim Mặc Ngọc ao ước mình được trở thành phần tử trí thức của đường phố, cầm trên tay chiếc bình thuỷ tinh và đôi đũa, đi đến từng nhà, lật từng viên  ngói để bắt từng con côn trùng.

Các anh của cô đã rời khỏi Bắc Kinh từ lâu, cha cô gửi các anh đi học các trường quân sự tốt nhất ở nước ngoài. Trong mắt cô, phần lớn các anh chỉ học được những điều tồi tệ ở trường quân sự, có vài ông anh lại còn hút cả thuốc phiện. Sản nghiệp của Túc thân vương mất trắng trong tay mấy ông anh này. Nhà cửa dần dần bị bán hết, mấy ông anh giao việc bán nhà cho ông bố nuôi Kawasima Rousoku người Nhật và một nửa gia sản của Túc thân vương rơi vào túi ông bố nuôi này. Năm 1949, các anh cô đi HongKong, gia tài để lại cho Kim Mặc Ngọc là 100 tệ. 100 tệ này phải nuôi chín miệng ăn: bốn đứa con của anh cả, hai đứa con của anh hai, hai mẹ con bà vú nuôi của anh cả, còn cô thì chưa lập gia đình và chưa hề có chút kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống nào.

 

Kim Mặc Ngọc bắt đầu bán dần đồ đạc trong nhà: dương cầm, thảm, sofa, áo da, do không biết giá thị trường, nên cả đống áo da đắt tiền cô chưa từng động tay đến được bán đi cả mớ với giá rẻ mạt. Kim Mặc Ngọc đan áo len để bán. Ba ngày đan xong một chiếc áo cũng vẫn không đủ tiền rau cho cả nhà. Cô lại mở cửa hàng giặt đồ, mua hẳn loại xà-phòng tốt, cuối tháng cộng sổ, tiền xà-phòng còn nhiều hơn cả tiền công giặt. Ngày nào ra ngõ cô cũng bị các bà bán hàng tạp hoá với theo đòi tiền.

Cuộc sống đó kéo dài đến tận năm 1952, các anh cô ở Nhật gửi về cho bảy cô cháu một khoản tiền. Cô mở một cửa hàng ăn Âu ngay tại sân nhà, nhưng kết quả là chả có ai bước chân vào. Cô không nản chí mà quay ra mở quán ăn Tứ Xuyên. Lúc đó ở Bắc Kinh có 400 nghìn người Tứ Xuyên, nên quán ăn này đã nhanh chóng phất lên. Tuy chưa kiếm được nhiều tiền nhưng cũng không còn phải lo đến cái ăn cái mặc nữa. Hai năm sau, nhà hàng bị công tư hợp doanh, cô trở thành một viên chức của Cục biên dịch trung ương, lương mỗi tháng 60 tệ, Kim Mặc Ngọc trở về nhà lòng vui như mở cờ.

Năm 1954, Kim Mặc Ngọc 36 tuổi mới kết hôn. Mượn được chiếc xường sám, cầm trên tay tấm thiếp mời do chính phu quân Mã Vạn Lý viết bằng bút lông, cô thầm nghĩ giá như ngày trước, chắc cô cũng sẽ giống như các bà chị được gả cho vị vương gia Mông Cổ nào đó rồi. Các cô cách cách là những công cụ quan trọng của mối liên kết Mãn-Mông. Nhưng cô từ nhỏ đã khác các chị, khi ở Bắc Kinh, cô cũng đã từ chối không ít lời cầu thân để tự do đi theo con đường mình đã chọn.

Chồng cô - Mã Vạn Lý là một hoạ sĩ hoa điểu nổi tiếng, ông đã từng có hai đời vợ. Người vợ đầu đã mất do khó sinh, người vợ thứ hai cũng đã ly hôn do không hợp. Khi gặp Kim Mặc Ngọc, Mã Vạn Lý vẫn đang ở nhà con gái. Nhà con gái ông rất chật, đến chỗ ngủ cũng không có chứ chưa nói đến chỗ để vẽ nên ông đã từng có ý định tự tử. Kim Mặc Ngọc xuất hiện đã giúp ông có được một nơi để vẽ tranh và có một gia đình. Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì bão táp đã ập đến.

Tháng 2 năm 1958, còn 5 ngày nữa thì đến Tết, Kim Mặc Ngọc đột nhiên bị bắt đi, bắt đầu cuộc sống tù ngục 15 năm. Tội danh duy nhất với cô là: con gái của Túc thân vương và em gái của đặc vụ Yoshiko Kawashima. Ở thời đại đó, chỉ cần thế cũng đã đủ làm cô mất mạng. Để không phiền hà đến chồng, Kim Mặc Ngọc đã viết đơn xin ly hôn từ trong tù, cô quyết định tự mình chịu đựng thời gian ngục tù. Năm 1973, hết hạn tù, Kim Mặc Ngọc được đưa đến làm công nhân của một nông trường chè ở Thiên Tân.   

 

Mời cả nhà nghe audio của bài này nhé!

 

Ở nông trường chè, đôi tay Kim Mặc Ngọc luôn chảy máu vì phải cuốc những lớp đất đông cứng để trồng táo bằng chiếc cuốc sắt cao hơn thân mình, nhưng bà không hề kêu ca một tiếng nào: “Tôi biết mình không như những người khác, người khác chỉ là mâu thuẫn nội bộ dân tộc, còn tôi lại là một tiểu thư của giai cấp quý tộc phong kiến, là em của một Hán gian”. Trong thời gian đó, một người Thượng Hải nói tiếng phương Bắc bước vào cuộc đời bà. Ông đặt vào đôi tay đẫm máu của bà một chiếc cuốc sắt nhỏ do ông tự làm và cuốn “Nhân dân Trung Quốc” bằng tiếng Nhật. Bà đã nhanh chóng nhận lời cầu hôn của ông, vì bà mong được nông trường phân cho một căn buồng của riêng mình. Khi được phóng viên hỏi rằng: “Bà có hối hận khi trước đây không ra đi cùng các anh hay không? Bà đã trả lời rằng cuộc đời bà có hai việc làm đúng đắn nhất: thứ nhất là không đi HongKong, thứ hai là trong thời gian ở tù đã không làm hại đến một người tốt nào. “Khi còn học ở Nhật, vị gia sư đã dạy tôi rằng cao thượng không phải là mình không cười khi người khác cười, đó là một thứ phẩm đức. Người cao thượng mỗi năm phải dành ra một ngày đóng cửa lại để suy nghĩ, suy nghĩ xem mình có làm điều gì có lỗi với người khác hay không. Nếu thấy đúng thì hãy kiên trì thực hiện, không cần biết người khác nghĩ như thế nào”.

Năm 1976, khi cùng chồng về Thượng Hải thăm gia đình, bà bị ốm, chụp X quang cho thấy cả chín đốt sống của bà đều bị hỏng, trong bệnh án ghi là “gai cột sống, viêm tuỷ sống, tổn thương cơ”. Nông trường cho bà nghỉ bệnh, lương mỗi tháng chỉ còn 19 tệ 2 hào. Số tiền này không đủ để hút thuốc, chưa nói đến tiền gửi biếu mẹ chồng. Hút thuốc là thói quen của bà từ khi bị ở tù.

Theo tính cách của bà thì có chết cũng không cầu xin ai, không muốn làm phiền đến ai. Trong tù, lưng đau đến mức không kéo nổi chăn, mà phải kéo bằng chân; không có lược chải đầu mà phải chải tóc từng ít một bằng chiếc bàn chải đánh răng; quần áo rách rưới không có đồ thay, mà phải vá lên đó những bông hoa nhỏ bằng vải vụn;  bà vẫn cắn răng chịu đựng vì theo bà cho dù thế nào, bề ngoài cũng phải luôn gọn gàng.

Cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, đã từng có một người cháu ở Mỹ mời bà sang đó sinh sống, nhưng bà đã từ chối vì không muốn làm phiền các cháu.

Năm 1979, lần đầu tiên trong đời Kim Mặc Ngọc nghĩ tới việc cầu cứu người khác, lần đầu tiên trong đời và viết thư cầu cứu tới một người, người đó chính là Đặng Tiểu Bình. Trong thư bà không hề xin được trả lại thân phận, mà chỉ xin một công việc. Bà còn nhớ trong thư có đoạn: “Tôi hiện nay đã mất sức lao động, nhưng vẫn còn có thể lao động trí óc, xin hãy cho tôi một công việc”. Thư được trả lời rất nhanh. Sau 40 năm rời xa Bắc Kinh, Kim Mặc Ngọc cuối cùng cũng đã được trở thành một phần tử phổ thông nhất trong những người dân sống ở Bắc Kinh.

Bà Kim Mặc Ngọc từ lâu vẫn muốn mở một trường học. Đầu năm 1992, bà cùng chồng đem toàn bộ số tiền gom góp của mình để mua bàn ghế, sách vở để mở “Lớp học tiếng Nhật nhi đồng Ái tâm”. Từ “Ái tâm” là từ có âm đọc gần giống như từ “Ái Tân”, việc này vừa thể hiện rằng bà vẫn là một thành viên của dòng họ Ái Tân Giác La, vừa biểu hiện tấm lòng dành cho việc đào tạo tiếng Nhật cho trẻ em của bà những năm cuối đời. Để từ “Lớp” có thể chuyển thành “Trường”, từ năm 1993, bà Kim Mặc Ngọc đã đi lại liên tục giữa Nhật Bản và Bắc Kinh, kêu gọi các đồng nghiệp, bạn bè, người thân ủng hộ và giúp đỡ để có kinh phí thành lập trường.

Tháng 5 năm 1996, Trường đào tạo tiếng Nhật Ái Tâm đã chính thức được treo biển ở khu phát triển thành phố Lang Phường tỉnh Hà Bắc. Theo nhận xét của các cơ quan hữu quan, ngôi trường này lúc đó là trường chuyên tiếng Nhật dân lập có đầy đủ điều kiện hệ thống và thiết bị nhất trong nước.

Những năm cuối thập kỷ 90, trên cơ sở của ngôi trường này, khu Đại học phương Đông Lang Phường đã được xây dựng. Và bà cũng đã mua được một căn hộ ở đó bằng chính những đồng tiền tự mình kiếm được. Người dân ở đó ai cũng biết đến bà lão đầy bản lĩnh này. Nhưng với bà, bà lại cho rằng mình cũng giống như những người bình thường khác mà thôi: “ Có lúc nghĩ, cuộc đời của tôi cũng có làm được việc gì đâu?. Bà thở dài và lại ngắm bức ảnh trên tay. Trong ảnh là cô gái 14 tuổi mặc chiếc váy trắng, mỉm cười nghịch ngợm như một cậu con trai. “Lúc đó, tôi nghịch lắm” – Bà nói và mỉm cười, nụ cười giống hệt như bức ảnh năm nào.

LDTTg dịch/Tạp chí Truyền hình số 23/572 (2008)

Ảnh: Internet