Chi tiết bài viết
Ngày của Nước
Những thói quen làm tổn hại thận
Dịch Việt - Trung cần chú ý những gì?
-----
Nước là nguồn của sự sống, thế nhưng rất nhiều lưu vực các con sông gắn liền với nền văn minh nhân loại đang bị lợi dụng một cách công khai, thêm vào đó là sự nóng dần lên của trái đất do có phần "đóng góp" của các hoạt động công nghiệp làm cho nguồn nước trong tương lai bị đe doạ nghiêm trọng. Có tới ít nhất là một nửa trong số 500 dòng sông lớn trên toàn cầu bị khô cạn hoặc ô nhiễm nghiêm trọng.
Một nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn nước được nhắc đến trong báo cáo của Liên hợp quốc là việc xây dựng các con đập đã làm thay đổi trật tự tự nhiên của lưu vực các con sông. Có không biết bao nhiêu con đập đã được xây dựng trên 20 con sông dài nhất thế giới.
Hiện nay, khoảng hơn 45.000 các con đập lớn trên toàn cầu làm hạn chế khoảng 15% dòng chảy của các sông đổ ra biển, diện tích che phủ của các con đập hiện đã chiếm 1% diện tích đất liền trên toàn cầu, nhưng lòng "nhiệt tình" xây dựng đập ngăn nước của con người vẫn chưa hề dừng lại.
Liên hợp quốc kiến nghị các nước nên nghiêm cấm thực hiện các dự án xây dựng mới đập ngăn nước và hồ chứa nước, hãy để cho các con sông được chảy tự do.
Đối với những con sông không bị ảnh hưởng bởi các đê, đập ngăn nước thì vận mệnh của chúng cũng không hẳn đã tốt đẹp hơn, kể cả sông A-ma-zôn - con sông được coi là phong phú nhất về nguồn nước cũng phải chịu ảnh hưởng của khí hậu nóng lên trên toàn cầu.
Mùa thu năm 2005, sông A-ma-zôn phải trải qua một trận hạn hán lớn nhất từ 40 năm qua, gây nguy cơ cháy rừng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến 16 thành phố duyên hải, cũng do đó, môi trường sinh thái của rừng nhiệt đới A-ma-zôn - "Lá phổi của trái đất" và "Thiên đường của sinh vật" cũng phải trải qua một trận khiêu chiến lớn. Sông Yukon - dòng sông chính ở khu vực Bắc Mỹ, dòng sông dài nhất không bị ngăn đập cũng bị ảnh hưởng, loài cá hồi sống ở dòng sông này bị chết hàng loạt do nhiệt độ nước tăng cao.
Trong số các nguồn nước trên toàn cầu, nguồn nước trên lục địa chỉ chiếm 6%, 94% còn lại là nước biển. Trong số nguồn nước trên lục địa, lại có tới 77,2% phân bố ở Bắc cực và Nam cực; 22,4% phân bố ở sâu trong lòng đất rất khó khai thác, chỉ có 0,4% nước sông có thể cung cấp để duy trì cuộc sống cho con người.
Sự phân bố không đều của nguồn nước dẫn đến việc một số quốc gia và khu vực bị thiếu nước nghiêm trọng. Ví dụ như lượng nước của sông Zairean ở châu Phi chiếm khoảng 30% lượng nước tái sinh của cả đại lục, nhưng dòng chảy chính của dòng sông lại chảy qua khu vực rất ít dân cư; hoặc như sông A-ma-zôn, lưu lượng của nó chiếm 60% tổng lưu lượng của khu vực Nam Mỹ, nhưng con sông này lại không chảy qua khu vực dân cư tập trung nên nguồn nước phong phú đó không thể nào được tận dụng triệt để.
Sự quản lý thiếu chặt chẽ do nghèo đói và sự ô nhiễm môi trường, nên 1/5 dân số toàn cầu không thể được cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch cho cuộc sống, trong đó trên một nửa số dân bị thiếu nước sạch sinh sống ở Trung Quốc và Ấn Độ. Do nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu chính ở Ấn độ là nguồn nước ngầm nên nếu chính phủ nước này không thay đổi phương thức quản lý đối với nguồn nước thì trong vòng 20 năm tới, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn vì thiếu nước vì nhu cầu dùng nước sẽ vượt qua lượng nước có thể cung cấp.
Theo tính toán, đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỷ người sẽ bị suy giảm điều kiện sống do thiếu nước nghiêm trọng, số người này hầu hết sinh sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt là Châu Phi, Trung đông hoặc Nam Á, điều này tất nhiên sẽ kéo theo đói nghèo và cản trở sự phát triển kinh tế. (LDTTg dịch)
Nguồn: Vietnamnet 02:55' 15/03/2006 (GMT+7)