Chi tiết bài viết
Braxin - cường quốc xuất khẩu cồn nhiên liệu
Thái độ khi đối diện với thất nghiệp
Giải mã hiện tượng không có vân tay
-----
Sau gần 30 năm nghiên cứu và ứng dụng cồn (Achohol) - loại nhiên liệu thay thế xăng dầu (Năm 2006 - LDTT), Braxin không những trở thành quốc gia sản xuất cồn lớn nhất thế giới, mà còn là nước nắm vững nhất kỹ thuật sản xuất cồn nhiên liệu.
Để đối phó với những cuộc khủng hoảng dầu mỏ của thế giới những năm 70 và giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu, Braxin bắt đầu phát triển nhiên liệu cồn để tận dụng triệt để nguồn tài nguyên nông nghiệp quốc gia, đặc biệt là ưu thế của cây mía, họ đã coi cây mía là nguồn nguyên liệu chính của kế hoạch phát triển cồn nhiên liệu.
Ngành sản xuất cồn được bắt đầu từ những năm 70, khi Chính phủ Braxin thực hiện việc bù giá cho việc sản xuất cồn, và yêu cầu các trạm xăng cũng phải tiêu thụ cồn. Đến những năm 80, Braxin bắt đầu thịnh hành loại xe hơi sử dụng cồn. Đến thập kỷ 90, do giá xăng dầu giảm, việc sử dụng cồn cũng vì thế mà giảm theo.
Nhưng đến năm 2003, khi các nhà sản xuất xe hơi sản xuất ra loại xe có thể sử dụng cồn, xăng hoặc hỗn hợp xăng cồn (trong xăng có pha lẫn một tỷ lệ nhất định cồn khô - gasohol) thì trào lưu dùng cồn chạy xe hơi lại quay trở lại. Và khi giá dầu lửa thế giới tăng lên mức kỷ lục thì người dân Braxin vẫn ung dung lướt trên đường phố với những chiếc xe hơi sử dụng loại "nhiên liệu linh hoạt' này. Tính đến cuối năm 2005, giá cồn ở Braxin vẫn chỉ bằng 1/2 giá xăng.
Sau 10 năm được Chính phủ Braxin đề xướng và ủng hộ, ngành công nghiệp cồn đã trở thành một ngành sản xuất hết sức thịnh vượng. Trên tất cả các trạm xăng trên toàn quốc đều có lắp đặt thêm bơm cồn, hàng triệu chiếc xe hơi sử dụng nguồn nhiên liệu cồn, xăng hoặc hỗn hợp cồn và xăng.
Để chấn hưng cho sự phát triển kế hoạch sử dụng cồn nhiên liệu, từ năm 1991, Chính phủ Braxin đã ra quy định tất cả trạm xăng dầu trên toàn quốc phải pha thêm 20-24% cồn khô.
Năm 1999 đã đánh dấu một bước đột phá trong việc sản xuất xe hơi chạy cồn của Braxin, họ đã dùng hệ thống đánh lửa điện tử để tăng cường cho hệ thống động lực, làm cho xe hơi chạy cồn kinh tế hơn và bền hơn. Từ năm 1999 đến nay, ngoài việc giải quyết được vấn đề nổ máy khó vào mùa đông của xe chạy cồn, Braxin còn cải tạo thành công bộ phận động cơ của xe chạy bằng xăng pha cồn. Hiện nay, cứ 10 chiếc xe hơi mới thì có tới 7 chiếc sử dụng cồn cho động cơ.
Năm 2003, Braxin lại sản xuất ra một loại xe hơi có lắp đặt bộ phận đo nhiên liệu, có thể đo tỷ lệ thành phần và chủng loại của các nhiên liệu trong xe, tự động điều chỉnh tỷ lệ ô-xy và nhiên liệu cũng như hệ thống phun của động cơ, phát huy ở mức cao nhất hiệu quả của các loại nhiên liệu khác nhau.
Braxin đã đào tạo được một đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp, thành thạo trong kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật chiết xuất và kỹ thuật chế tạo xe hơi chạy cồn. Hiện nay, số lượng xe hơi sử dụng xăng cồn của nước này lên tới gần 16 triệu chiếc, gần 4 triệu xe máy, số xe hơi sử dụng cồn lỏng hoàn toàn cũng lên tới hơn 2 triệu xe. Braxin đã trở thành nước duy nhất trên thế giới không cung cấp xăng nguyên chất và cũng là nước thành công nhất trong số các nước sử dụng nhiên liệu cồn cho xe hơi.
Các chuyên gia bảo vệ môi trường cho rằng, lượng khí đi-ô-xít các-bon do xe hơi chạy bằng cồn lỏng thải ra chỉ bằng 1/12 so với xe chạy bằng xăng; tổng hợp các chỉ số ô nhiễm môi trường cho thấy, mức độ ô nhiễm môi trường của xe chạy bằng cồn chỉ bằng 30% của xe chạy xăng. Nếu xe sử dụng nhiên liệu hỗn hợp cồn xăng thì sẽ giảm được 20-30% lượng khí thải ô- xít các-bon, giảm khoảng 25% lượng khí thải đi-ô-xít các-bon, đồng thời còn giảm bớt được lượng khí thải các chất có hại như chì...
Là nước sản xuất đường ăn lớn nhất thế giới, cũng là nước có diện tích trồng mía lên tới trên 6,5 triệu ha, Braxin có thể sẽ trở thành nhà cung cấp cồn dài hạn cho toàn thế giới.
Ở các khu vực trồng mía của Braxin có rất nhiều các Công ty sản xuất cồn kiểu "Công nông kết hợp". Cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất từ nước mía. Với hy vọng sẽ chấm dứt được thời đại sử dụng dầu mỏ, trong suốt thời gian thu hoạch mía từ tháng 3 đến tháng 11, hàng nghìn công nhân luôn làm việc cần mẫn ở nhà máy sản xuất cồn. Riêng Công ty Cocamar, hàng năm, họ sản xuất được 92500 ga-lông cồn (khoảng hơn 420 nghìn lít), và lập tức vận chuyển đi tiêu thụ ở các cây xăng bằng xe téc.
Đối với người tiêu dùng, trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là thời kỳ phát triển của cây mía, việc sản xuất đường bị ngừng lại nên giá cồn tuy có tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn giá xăng dầu.
Công ty Cocamar cho biết, kể từ khi họ mua được quyền kinh doanh năm 1993 đến nay, việc kinh doanh của họ đã gặp rất nhiều thuận lợi. Giá thành sản xuất cồn của công ty này rất thấp, mỗi ga-lông cồn có giá 1,10USD, kể từ năm 2005 giá bán buôn mỗi ga-lông cồn đã tăng từ 1,44USD lên đến 2,68USD.
Năm 2004, Braxin sản xuất cồn ở mức kỷ lục với 15,2 tỷ lít, tăng 3,4% so với năm 2003, năm 2005, sản lượng này lên tới 16,2 tỷ lít. Các nhà máy sản xuất cồn của Braxin tập trung nhiều ở khu vực Trung nam bộ và Đông bắc bộ, trong đó khu vực Trung nam bộ sản xuất tới 16 tỷ lít, phần còn lại là của khu vực Đông bắc. Hiện tại trên thế giới, bình quân mỗi ha sản xuất được 70 tấn mía, còn ở Brasil khu vực Trung nam bộ mỗi ha sản xuất được 78 - 80 tấn mía, chiếm 85% tổng sản lượng, ở khu vực Sao Pao-lô, sản lượng bình quân mỗi ha lên tới 80 - 85 tấn.
Tập trung cho phát triển ngành mía đường và sản xuất cồn nhiên liệu, hiện nay nước này đã thu hút một lượng lớn lao động cho hai ngành sản xuất lớn này với trên 1 triệu lao động trực tiếp và trên 500 nghìn lao động gián tiếp, trong đó có tới trên 600 nghìn người tham gia vào công việc trồng mía.
Do hàm lượng đường trong mía của Braxin lên tới 14 - 15,5% so với mức trung bình trên thế giới 12,5% và kỹ thuật sản xuất cồn tiên tiến, Brasil hiện có hơn 500 nhà máy sản xuất cồn. Sau nhiều năm nghiên cứu đầu tư và sáng tạo kỹ thuật mới, kỹ thuật sản xuất và công nghệ chiết xuất cồn đã được xếp vào hàng đầu trên thế giới. Tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất cồn thấp và lợi dụng được năng lượng cao từ mía. Lượng hơi nước cần thiết để sản xuất 1 lít cồn nước và cồn khô là 2 và 2,8kg. Hiệu suất đốt lò hơi của nhà máy cồn đạt tới 87%, lợi dụng được 71% năng lượng từ mía. Bã mía và lá mía đều được dùng để sản xuất điện năng và năng lượng cơ giới. Các nhà máy cồn đều tự cung cấp được năng lượng, trong đó nhiệt năng và năng lượng cơ giới tự cấp tới 100%, tự cấp điện tới 95%.
Với mục tiêu tận dụng triệt để cây mía, hầu hết các nhà máy cồn trên thế giới đều sử dụng bã mía làm nhiên liệu đốt, nhưng Braxin đã nghiên cứu được kỹ thuật đồng bộ tận dụng bã mía, bao gồm việc dùng bã mía làm nhiên liệu, làm giấy, sản xuất bột giấy và thức ăn gia súc. Ngoài ra, việc nghiên cứu kỹ thuật dùng bã mía để tái sản xuất cồn nước cũng đang đi vào những giai đoạn cuối cùng. Nước thải cũng được tận dụng để sản xuất phân bón và thức ăn gia súc Protein cao.
Hiện nay, Braxin là nước xuất khẩu cồn lớn nhất thế giới, chiếm tới 39,8% thương mại của thế giới.
Để thích ứng với nhu cầu thị trường cồn thế giới không ngừng tăng cao, Braxin sẽ phải tăng thêm 40% diện tích trồng mía và đầu tư cho ngành sản xuất cồn để duy trì vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cồn trước năm 2010.
Brasil đang tích cực cổ vũ các quốc gia châu  và châu Á sử dụng nhiên liệu cồn cho xe hơi. Braxin sẽ " trồng loại dầu mỏ cho tương lai" và thúc đẩy để thay đổi về căn bản việc sản xuất năng lượng của thế giới.
Cồn của Braxin chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Ấn độ với 451 triệu lít, thứ hai là thị trường Mỹ với 418 triệu lít, tiếp đó là các thị trường Hàn Quốc 230 triệu lít và Nhật bản 197 triệu lít.
Với kỹ thuật sản xuất cồn tiên tiến trên thế giới, rất nhiều nước đều có ý định hợp tác với Braxin, trong đó, việc hợp tác với Thuỵ Sĩ, Ấn Độ, Nhật Bản đã có những tiến triển thực sự. Thuỵ Sĩ đã ký hợp đồng thương mại với bang Goiás của Brasil hàng năm cung cấp cho Thuỵ Sĩ 100 triệu lít cồn khô. Nhật bản đầu tư cơ sở thiết bị về mặt sản xuất và vận chuyển và hy vọng Braxin sẽ gây tạo những khu vực trồng mía riêng để chuyên sản xuất cồn cho Nhật bản.
Ngoài ra, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẵn sàng cho Braxin vay khoản tín dụng 10 tỷ Real cho các dự án sản xuất cồn. Công ty Coimex của Braxin đã hợp tác với Công ty Mitsui của Nhật thành lập Công ty năng lượng sinh học CM, dự tính hàng năm sẽ xuất khẩu cồn sang Nhật bản với trị giá 3 tỷ USD. Còn với Ấn Độ là sự hợp tác kỹ thuật cùng các dây chuyền đồng bộ sản xuất cồn. Braxin cũng đã cung cấp toàn bộ thiết bị ở 10 nước châu Mỹ la tinh và châu Phi 16 nhà máy chưng cất cồn.
Đẩy mạnh sử dụng cồn nhiên liệu là một trong những lựa chọn chiến lược bảo vệ an toàn tài nguyên quốc gia và phát triển nguồn năng lượng tái sinh sạch. Việc này không chỉ có thể ứng phó với sự thiếu hụt năng lượng dầu mỏ của thế giới trong tương lai, mà còn có thể bảo vệ, duy trì nguồn năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.
LDTT dịch/Vietnamnet (06:14' 21/03/2006 (GMT+7) )
Thông tin cho các bạn thật sự cần học dịch văn bản tại đây!