Chi tiết bài viết
Chi tiết bài viết

Bạn có nên chọn nghề phiên dịch hay không?

Bạn có nên chọn nghề phiên dịch hay không? Bạn sẽ luôn được khám phá; Bạn giữ vai trò quan trọng; Bạn sẽ được đến nhiều nơi trên thế giới, được gặp những ngân vật nổi tiếng; Cơ hội việc làm lớn;Bạn có nhiều cơ hội thăng tiến

Dịch Việt - Trung cần chú ý những gì?

Chữa bài tập dịch

Chia sẻ vài cách tra từ khó

Cà-phê chồn

Làm CTV dịch thuật cần chú ý những gì?

TỪ ĐIỂN CHUYÊN NGÀNH VIỆT-TRUNG; TRUNG-VIỆT

-----

·        Những lý do để bạn chọn nghề phiên dịch

 

+ Bạn sẽ luôn được khám phá

Ngôn ngữ là tinh hoa của mỗi nền văn hóa. Bởi vậy, khi bạn hiểu biết, sử dụng thêm một ngôn ngữ nghĩa là bạn gần như đã khám phá thêm một nền văn hóa mới.

Thế giới sẽ trở nên gần gũi và thân thiết hơn khi bạn học thêm một ngôn ngữ mới. Như lời một vị cựu đại sứ Rumani ở Việt Nam, người am tường nhiều ngoại ngữ, trong đó có cả tiếng Hy Lạp cổ, tiếng La tinh, từng nói: “Biết thêm một ngoại ngữ là biết thêm một cuộc đời”.

 

 

+ Bạn giữ vai trò quan trọng

Có thể nhìn từ bên ngoài, bạn luôn là người đứng lặng lẽ phía sau, nhưng bất cứ phiên dịch viên yêu nghề nào cũng hiểu được vai trò quan trọng và trách nhiệm nặng nề của mình.

Sự bất đồng về ngôn ngữ dễ dẫn đến những điều không hay xảy ra trong các buổi hội nghị quốc tế, các cuộc họp song phương, đa phương. Thậm chí, chiến tranh cũng có thể nổ ra bởi những hiểu lầm về ngôn ngữ.

Bởi vậy, nếu bạn là phiên dịch viên, bạn sẽ giúp cho những buổi hội nghị hợp tác thật sự đem lại những hợp tác có ý nghĩa giữa các bên. Bạnchính là cầu nối về ngôn ngữ, ý tưởng, là người giúp dòng chảy thông tin giữa những người tham gia giao tiếp được liền mạch.

 

 

+ Bạn sẽ được đến nhiều nơi trên thế giới, được gặp những ngân vật nổi tiếng

Theo chân những hoạt động mang tính quốc tế, người phiên dịch có thể được đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Và biết đâu, bạn sẽ là người tháp tùng nguyên thủ quốc gia trong các chuyến công du nước ngoài, được gặp gỡ những nhân vật cấp cao khác. Cũng có thể một ngày nào đó, bạn sẽ là người phiên dịch, được ngồi sát ngay bên thần tượng mà bạn vẫn ngưỡng mộ suốt thời thơ ấu. Điều đó có thể xảy ra lắm chứ!

 

 

+ Cơ hội việc làm lớn

Khi hội nhập đang trở thành xu thế tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, thì các công ty, tổ chức, cơ quan trong nước và quốc tế luôn cần đến những phiên dịch viên giỏi.

Cùng với cơ hội việc làm phong phú là mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung của cả xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là nghề nghiệp có tính cạnh tranh và đào thải lớn. Bởi ngày nay, ngoại ngữ đã trở thành một công cụ được rất nhiều bạn trẻ nỗ lực trau dồi trong hành trang lập nghiệp của mình.

 

 

+ Bạn có nhiều cơ hội thăng tiến

Một số phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao ở các nước đã trở thành vị đại sứ đáng kính. Ở Việt Nam, các Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Khoan đều từng là phiên dịch viên. Bởi vậy, bắt đầu từ nghề phiên dịch, với cơ hội được đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau và luôn được ở bên những vị quan chức cấp cao, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều. Để từ đó với hành trang phong phú của nhiều năm kinh nghiệm, rất có thể bạn sẽ trở thành một nhà ngoại giao có tài thuyết khách, một vị chính khách uyên bác và lịch lãm, một nhà quản lý tài năng v.v...

Và bạn cũng hãy biết rằng, trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng vậy, cơ hội thăng tiến không đến với tất cả mọi người. Nó chỉ là phần thưởng cho những ai thực sự nỗ lực vươn lên và tìm được phương pháp làm việc hiệu quả, sáng tạo nhất.

 

 

+ Tuổi thọ nghề nghiệp cao

Có những nghề nghiệp “tuổi thọ” thường rất ngắn như nghề tiếp viên hàng không, nghề múa v.v... Với nhiều nghề nghiệp khác, bạn thường phải chia tay với nghề khi đến tuổi về hưu. Nhưng bạn sẽ có thể gắn bó rất lâu năm cùng nghề phiên dịch.

Những dịch giả giỏi không bao giờ sợ không có việc làm ngay cả khi đã đến cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Thậm chí, lúc ấy với kinh nghiệm lâu năm và kiến thức uyên bác của mình, họ còn được mọi người kính nể và tin tưởng hơn.

Tất nhiên, với công việc dịch nói, cũng có những giới hạn tuổi tác nhất định. Bởi đến một lúc nào đó, đôi tai bạn không còn tinh tường như trước, phản xạ cũng không nhạy bén nữa và bạn cũng không thể “đi bất cứ nơi đâu” như ngày xưa. Lúc ấy, bạn có thể chuyên vào các công việc như dịch sách báo, tài liệu hay dịch phim v.v... cho các đài truyền hình.

 

·        Những thách thức trong nghề phiên dịch

 

+ Phải liên tục học hỏi, am hiểu chủ đề dịch

Có thể khi mới vào nghề, bạn không thể ngay lập tức trở thành một người phiên dịch tinh thông, nhưng bạn vẫn có thể xoay xở tốt nếu như có sự chuẩn bị tốt về chủ đề dịch. Thách thức đầu tiên của nghề phiên dịch là bạn luôn phải cẩn thận tìm hiểu những gì mình cần dịch, nếu không bạn sẽ sớm gặp thất bại.

 

+ Nghề chịu nhiều áp lực

Công việc phiên dịch thường chịu vô vàn sức ép: sức ép và căng thẳng cao độ của dịch đồng thời (vừa nghe vừa dịch), sức ép không kém gay gắt của dịch đuổi, sức ép về những khái niệm mới, từ ngữ mới và nhiều khi là thời hạn giao bản dịch rất gấp gáp của dịch viết. Áp lực lớn nhất là bạn phải dịch thật chính xác, thật đúng ý người nói hoặc người viết, kể cả khi họ có ý mập mờ, đồng thời bản dịch lại phải hay, có duyên và hấp dẫn.

 

+ Cần cập nhật những thông tin mới, lĩnh vực mới

Ngôn ngữ luôn luôn phát triển. Bởi vậy, nghề phiên dịch đòi hỏi phải liên tục học tập để trau dồi ngoại ngữ mà mình đang sử dụng và cả tiếng Việt nữa. Nước ta đang trong thời kì đổi mới và phát triển về các mặt nên nhiều khái niệm, từ ngữ và cách nói mới xuất hiện. Nếu không cập nhật, bạn sẽ không thể dịch được.

 

+ Kỷ luật nghề nghiệp

Khi dịch nói và viết, bạn cần nhất thiết trung thành với văn bản gốc. Bạn phải coi đó như vấn đề “lương tâm nghề nghiệp” của người dịch. Nếu bạn dịch sai, có thể mọi người không phát hiện được ngay lúc ấy, nhưng ai dám chắc rằng lỗi sai đó sẽ lại không gây ra những hậu quả lớn như hiểu lầm nghiêm trọng giữa các bên đối tác...

 

+ Nắm vững tâm lý của người nói

Đa nghĩa là một trong những đặc trưng của từ ngữ. Bởi vậy, nếu bạn muốn dịch đúng, dịch sát ý của người nói, bạn cần phải biết quan sát cử chỉ, thái độ, nét mặt của họ để chọn được những ý nghĩa thích hợp nhất cho từng ngôn từ.

Đây được coi là kỹ năng quan trọng của người dịch nói. Nghĩa là anh ta không chỉ biết lắng đôi tai để nghe mà còn phải mở rộng đôi mắt để nhìn và phát hiện.

 

Nguồn: Tủ sách hướng nghiệp - Nghề phiên dịch