Chi tiết bài viết
Đường chân trời đã mất - Chương 6-1
CHƯƠNG VI
“Tôi nghĩ có người chắc chắn phải thích ứng với môi trường khắc nghiệt này”. Sau một tuần ở lại Shangri-La, Barnard tổng kết cảm nhận của mình, đó cũng là một bài học được rút ra. Đến lúc này, mọi người đều đã bình tâm lại và sinh hoạt rất có quy luật, dưới sự giúp đỡ của ông Trương, ngày qua ngày nhưng không còn vô vị như kỳ nghỉ đã được sắp xếp trước nữa. Mọi người đều đã thích nghi được với khí hậu ở đây, họ thấy chỉ cần không làm việc gì quá sức thì vẫn giữ được sức khỏe và tinh thần sảng khoái; ở đây, ban ngày ấm áp nhưng đêm thì rất lạnh, và ngôi chùa thì gần như hoàn toàn nằm ở vị trí tránh gió; các vụ lở tuyết trên đỉnh Karakal thường xảy ra vào buổi chiều; trong thung lũng trồng rất nhiều cây thuốc lá; các loại đồ ăn và rượu địa phương có hương vị rất ngon, mỗi loại đều có hương vị và sự độc đáo riêng. Thực ra, bọn họ còn thấy mình giống như bốn học sinh tiểu học vừa bước chân vào trường, lúc nào cũng có người vắng mặt một cách khó hiểu. Ông Trương không chút nề hà luôn cố gắng giúp đỡ họ. Ông đưa họ đi chơi, đề xuất các hoạt động, mang sách cho họ đọc. Mỗi khi thấy bữa ăn có phần lúng túng, ông lại khéo léo làm ấm không khí lên bằng cách chuyện trò bằng thứ tiếng Anh lưu loát và thận trọng. Ông luôn nhã nhặn và rất giỏi tùy cơ ứng biến. Ông luôn phân định rõ ràng đối với các chủ đề nói chuyện, có chuyện thì giải thích cặn kẽ, nhưng cũng có chuyện lại lịch sự từ chối mà không hề gây khó chịu với mọi người, nhưng trừ Mallison ra, cậu ta luôn tỏ ra không thỏa mãn. Conway ghi chép lại nội dung các cuộc nói chuyện một cách hài lòng, để có thêm chút tài liệu mới cho những tư liệu cậu thu thập được. Barnard còn đùa với người đàn ông Trung Quốc đó theo phong cách Mỹ nữa: “Ông thấy đấy, đây là nhà nghỉ thật đáng ghét. Ông đã từng cho người đưa báo chưa? Tôi dám đổi tất cả sách trong thư viện của các ông để lấy một tờ Herald Tribune sáng nay.” Câu trả lời của ông Trương luôn rất nghiêm túc, mặc dù ông ta không cần phải trả lời mọi câu hỏi. “Mấy năm trước chúng tôi có những cuốn của The Times, thưa Ngài Barnard. Nhưng rất tiếc rằng chỉ có bản của London thôi.”
Conway vui mừng phát hiện ra thung lũng này không phải là nơi “cấm vào”, cho dù đường sườn núi có dốc và hiểm trở, những người đến thăm nếu không có người hộ tống sẽ không thể đến nơi. Có ông Trương đi cùng, họ đã dành một ngày dạo chơi dễ chịu trên những thảm cỏ xanh mướt bên bờ đá sắc cạnh. Theo Conway đây thực sự là chuyến đi rất thú vị. Họ ngồi trên những chiếc kiệu tre lắc lư trên bờ đá dốc đứng rợn người, những người phu kiệu lặng lẽ bước men theo bờ vực. Nói một cách nghiêm túc, đây không thể coi là con đường. Khi đến một ngọn đồi nhỏ um tùm cây cỏ dưới chân núi, ai ai cũng có thể cảm nhận được vị trí địa lý quan trọng của ngôi chùa Lạt-ma. Thung lũng là một thiên đường được các dãy núi vây quanh, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú. Trong vòng vài ngàn feet chênh lệch nhiệt độ ở độ cao vuông góc đã chuyển từ khí hậu ôn đới sang nhiệt đới, các loại nông sản đều phát triển tươi tốt không chừa chỗ trống nào. Toàn bộ khu vực trồng trọt kéo dài có đến hơn 10 dặm, chiều rộng có lẽ cũng khoảng 1-5 dặm. Tuy đây là nơi địa hình chật hẹp, nhưng hàng ngày vẫn có thể đón được ánh nắng mạnh mẽ nhất vào các buổi trưa. Thật ra, kể cả lúc không có ánh mặt trời, khí hậu cũng vẫn ấm áp dễ chịu. Chỉ có nước suối từ trên núi tuyết chảy xuống là hơi lạnh, nước suối tưới tiêu cho khắp vùng đất trù phú này. Khi Conway chăm chú nhìn ngắm đỉnh núi cao lớn hùng vĩ như một bức tường, cậu lại một lần nữa cảm nhận được sự nguy hiểm và tráng lệ của cảnh sắc, giả dụ chỉ một vật chắn nào đó chặn đường ra, thì cả thung lũng này sẽ biến thành một hồ nước, tuyết tan từ núi cao tứ phía sẽ vẫn không ngừng nuôi dưỡng cả vùng. Còn giờ đây, mấy dòng sông nhỏ chảy qua thung lũng đổ vào hồ chứa, tưới tiêu cho đất đai và ruộng đồng, nó có thể được coi là kiệt tác được thiết kế đầy tâm huyết của vị công trình sư môi trường. Toàn bộ quy hoạch thật kỳ diệu, bố cục của chúng vẫn có thể được bảo vệ trước động đất và lở đất. Nhưng sự e ngại tiềm ẩn cho tương lai cũng chỉ làm con người thêm yêu quý những gì hiện có. Conway một lần nữa lại bị mê hoặc, chính sự quyến rũ độc đáo này đã làm cậu cảm thấy rằng mấy năm ở Trung Quốc vui vẻ hơn bất kỳ nơi nào khác, mọi thứ của hiện tại cũng như vậy. Khối núi hùng vĩ vây quanh tương phản hẳn với những bãi cỏ nhỏ xíu, vài quán trà thấp thoáng bên dòng suối và những căn nhà bé nhỏ xinh xinh như những món đồ chơi. Trong mắt cậu, cư dân ở đây là sự kết hợp hoàn mỹ giữa người Hán và người Tạng, họ cân đối đẹp đẽ hơn bất kỳ người dân tộc nào trong số đó. Trong cái xã hội nhỏ bé đó chắc chắn không thể tránh khỏi sự kết hôn nội tộc, nhưng có vẻ cũng không ảnh hưởng nhiều đến họ. Họ luôn tươi cười với những người lạ mặt ngồi trên kiệu khi họ đi qua đây, và hỏi thăm ông Trương rất thân mật. Họ vui tính, hòa nhã đến dễ dàng khi hỏi han tin tức, lịch sự và vô tư, họ bận rộn với rất nhiều công việc, nhưng không thể thấy sự vất vả ở họ. Nói tóm lại, Conway cho rằng đây là một trong những xã hội hạnh phúc nhất mà cậu đã từng thấy, đến người luôn quan tâm đến những dấu hiệu bại hoại của một tôn giáo khác như cô Brinklow cũng không thể phủ nhận rằng: “Bề ngoài”, mọi chuyện đều rất tốt đẹp. Cô cũng phát hiện thấy mọi người ở đây đều “ăn mặc rất gọn gàng”, đến những người phụ nữ cũng mặc những chiếc quần kiểu Trung Quốc bó chặt phần mắt cá chân. Cô cũng phát huy mọi sức tưởng tượng để quan sát kỹ một ngôi chùa Phật giáo ở đây, rồi cũng phát hiện được một chút dấu vết có thể miễn cưỡng coi là có chút sùng bái sinh thực khí. Ông Trương giải thích rằng trong chùa chiền ở đây có những Lạt-ma dưới sự điều khiển của Shangri-La, nhưng họ được khá tự do, không bị quản lý bằng những quy định như những Lạt-ma khác. Đi dọc thung lũng về phía xa một chút còn có thêm một đạo quán và một ngôi Khổng miếu. “Đá quý thường có nhiều mặt”, người đàn ông Trung Quốc nói, “Có lẽ mỗi tôn giáo đều có chân lý riêng”.
“Tôi tán thành quan điểm này”, Barnad nói một cách chân thành, “Tôi chưa từng tin vào sự đố kỵ giữa các giáo phái. Ông Trương, ông là một nhà triết học, tôi sẽ ghi nhớ câu nói của ông “Mỗi tôn giáo đều có chân lý riêng”, những người đồng đạo của ông ở trên núi đều là những người tài trí và cũng hiểu rõ đạo lý này. Ông nói rất đúng, tôi khẳng định điều đó”.
“Nhưng”, ông Trương trả lời rất mơ mộng, “Chúng tôi chỉ có thể khẳng định ở mức độ vừa phải”.
Cô Brinklow không hề khó chịu về chuyện đó và trông cô như một cô gái lười nhác, cho dù thế nào, cô cũng chỉ chuyên chú vào một cách nghĩ của mình. “Đợi khi tôi trở về”, cô mím chặt môi nói, “Tôi sẽ đề nghị giáo hội của chúng tôi cử một giáo sĩ truyền giáo tới đây, nếu họ không hài lòng điều gì, tôi sẽ ép họ cho đến khi đồng ý mới thôi”.
Bản dịch riêng cho www.luyendichtiengtrung.com