Chi tiết bài viết
Các nhà sư ở Luang Prabang
(LDTT) Haizzz, mới đấy mà đã 7 năm kể từ cái ngày lần đầu tiên đặt chân đến Luang sau một đêm đau ê ẩm cả người vì chuyến xe chợ từ Vientiane. Kể thêm tý về cái chuyến xe ấy, số là hồi đó mỗi tuần chỉ có hình như là 2 chuyến xe ghế mềm máy lạnh, mà cái ngày mình đi thì không có xe, thôi đành đi xe chợ vậy. Gọi là xe chợ thì quá chuẩn luôn, vì chuyến xe đấy, nóc xe thì chất lồng gà vịt, trong xe thì chở đầy…trứng gà trứng vịt, các thùng trứng xếp kín lối đi, lúc dừng xe muốn xuống chỉ có cách trèo một cách nhẹ nhàng lên thùng trứng mà xuống thôi..
Ghế ngồi thì cũng có đệm, những đoạn đường êm thì có thể ngả lưng một chút, cũng may là khách không nhiều nên mỗi người được sở hữu hẳn một băng ghế để nằm, chân gác lên thùng trứng. Nhưng lớp đệm bọc da cũ kỹ đó cũng không giảm sóc được bao nhiêu so với những cú nẩy người muốn cộc đầu lên trần xe, bù lại vì sóc không ngủ được mà tụi này được bonus cảnh núi rừng dưới trăng rằm tuyệt đẹp, đẹp đến mức quên mất cả anh lơ xe đang ngồi ôm súng AK ở hàng ghế cuối cùng, vì nghe nói hồi đó xe nào đi đêm cũng phải mang súng để phòng cướp, A di đà Phật, chuyến đó ngon lành!
5 giờ sáng hôm sau xe đến Luang. Bến xe nằm ngoài thành phố lặng lẽ chưa tỉnh giấc. Chân trời bắt đầu hồng rực báo hiệu một ngày nắng đẹp. Quanh bến xe, vài gia đình bán hàng mới bắt đầu lục tục dọn hàng.
Phương tiện giao thông thuận tiện và phổ biến nhất ở đây là những chiếc xe lam. Trên đường về thành phố, những tưởng sau một đêm ngủ vật vờ thì việc khám phá thành phố sẽ tính sau, nhưng thành phố đáng yêu này cuốn hút tụi này ngay từ những giây phút đầu tiên.
Từ góc phố yên tĩnh bỗng xuất hiện một đoàn hòa thượng mặc áo vàng cam nổi bật. Mọi người nhốn nháo hẳn lên trước cảnh tượng lần đầu nhìn thấy trong đời khiến chiếc xe phải phanh gấp. Bác lái xe chỉ còn biết ngồi cười khà khà nhìn chúng tôi tò mò dàn hàng bấm máy.
Đi khất thực vào mỗi buổi sớm là một hình thức tu tập và đã trở thành một hoạt động quen thuộc ở Luang. Họ đi dọc theo phố, khi đến ngã ba hoặc ngã tư thì tự động tách ra theo các ngả và nhập với các nhóm khác thành một nhóm mới, cho dù họ không cùng một ngôi chùa.
Mỗi buổi sáng các bà, các chị và cả những người nước ngoài sùng đạo ngồi sẵn bên hè đường dọc các khu phố, họ chờ các đoàn hoà thượng đi qua.
Có cả người nước ngoài sùng đạo, khi đến đây, họ cũng hòa mình với người dân hành thiện bố thí cho các nhà sư.
Các vị hoà thượng già có, trẻ có, khoác áo cà sa màu vàng cam, đi chân đất, xếp thành hàng dài, im lặng đi vòng qua các dãy phố.
Khi họ đi qua nơi có người dân ngồi chờ sẵn, những người dân kính cẩn chắp tay chào các vị hoà thượng, rồi lần lượt chia vào những chiếc thố bằng bạc được bọc bằng đồ mây tre đan bên ngoài những món đồ ăn như nhúm xôi hoặc gói mì ăn liền…(Mỗi nhúm xôi chỉ bằng đầu ngón tay cái thôi nhé!). Về cơ bản, đã là đồ bố thí thì kể cả được bố thí đồ sống như thịt, họ vẫn được nhận và ăn, nhưng với lòng tôn kính và mộ đạo, người dân chỉ bố thí đồ ăn chay.
Với người dân Luang, bố thí cho các nhà sư dường như là nghĩa vụ linh thiêng và là niềm tự hào của họ.
Ở đây có tới 40 ngôi chùa lớn nhỏ, các nhà sư trong chùa đều là nam giới. Mỗi ngôi chùa đều là một ngôi trường Phật giáo nên thường thấp bóng dáng của cả những vị tiểu hòa thượng. Đồ bố thí xin về thường được chia thành bốn phần: một phần chia sẻ cho các bạn đồng tu, một phần chia cho người nghèo, một phần dành cho vật nuôi trong chùa như chó, mèo và phần còn lại dành cho các hòa thượng.
Nằm cạnh bảo tàng Hoàng gia, đây là mái chùa Wat Mai được xây dựng từ thế kỷ 18, , một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Luang, đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa này là có phần mái chùa chia làm nhiều lớp rõ ràng, khác hẳn với những ngôi chùa khác chỉ có một lớp mái với phần nóc cao vút rồi kéo dài trùm xuống đến gần mặt đất.
Các ngôi chùa nhìn bề ngoài rất giản dị, nhưng bên trong lại được trang hoàng lộng lẫy với các chi tiết rất cầu kỳ.
Nếu tận mắt chiêm ngưỡng, bạn sẽ thấy có những hoa văn trang trí từ những mảnh ghép đôi khi chỉ lớn hơn móng tay cái.
Màu chủ đạo trong chùa chiền của Lào là chi tiết màu vàng trên nền đỏ.
Từ nhiều thế kỷ nay, Phật giáo giữ vị trí quốc giáo của Lào. Giáo lý Phật giáo ăn sâu trong tiềm thức của người dân Lào, nên các nhà sư rất được kính trọng.
Cũng chính vì giáo lý hướng tới việc thiện, bố thí để tích đức của nhà Phật đã tạo nên một nét rất riêng của Luang Prabang – một thành phố nhỏ bé thanh bình, xinh đẹp và rất quyến rũ.
Mong có ngày trở lại Luang! (LDTT)
See more MY TRAVEL PICTURES here.
Bài viết độc quyền cho www.luyendichtiengtrung.com