Chi tiết bài viết
Đường chân trời đã mất - Chương 5-3
Bỗng cô Brinklow như tỉnh lại sau cơn mơ: “Có thể đưa chúng tôi đi xem các Lạt-ma đang làm việc không?” Giọng nói sắc nhọn như đang thổi tiêu của cô làm mọi người giật mình, việc này làm mọi người cảm thấy trong đầu cô gái luôn có bóng dáng của các món đồ thủ công địa phương như những chiếc bồ đoàn dệt hoặc những thứ đồ có nguồn gốc độc đáo mà cô có thể kể lại sau khi đã trở về. Cô có một sự khéo léo phi thường chưa lúc nào làm mọi người hết ngạc nhiên, ở cô là sự pha trộn của những thói quen ngoan cố, nhưng ông Trương không hề bị xáo trộn: “Rất tiếc, việc này là không thể được, các Lạt-ma chưa từng hoặc rất ít bị người ngoài nhìn thấy”.
“Tôi chắc rằng chúng tôi đã không có dịp được thấy họ rồi”, Barnard đồng ý, “Nhưng tôi cho rằng sẽ thật đáng tiếc. Ông không có cách nào hiểu được chúng tôi muốn được gặp và bắt tay người đứng đầu của các ông thế nào đâu”.
Ông Trương bày tỏ lòng cảm kích trước câu nói của Barnard bằng sự ôn hòa và nghiêm túc. Cô Brinklow vẫn không chịu từ bỏ: “Các Lạt-ma làm những gì?”, cô gái tiếp tục hỏi.
“Họ đang cố gắng tĩnh tâm tu luyện và tìm kiếm trí tuệ, thưa cô”.
“Nhưng đó không tính là làm việc.”
“Vâng, thưa cô, họ không làm gì cả”.
“Đúng như tôi đã nghĩ”, cô nhân cơ hội này để kết thúc, “Được rồi, thưa ông, rất vui vì ông đã đưa chúng tôi đi thăm nơi này, thật sự rất vui, nhưng ông không cho tôi tin rằng đây là nơi thực sự đang làm mọi việc thiện. Tôi muốn được biết những gì thực tế hơn”.
“Có lẽ các Ngài muốn uống trà chăng?”
Mới đầu Conway nghi ngờ rằng đó là sự mỉa mai, nhưng rồi có được sự chứng thực rất nhanh. Buổi chiều qua đi rất nhanh. Ông Trương tuy rất tiết kiệm trong ăn uống, nhưng lại có thói quen uống trà trong lúc nghỉ ngơi theo sở thích điển hình của người Trung Quốc. Cô Brinklow cũng thẳng thắn thừa nhận rằng việc tham quan thư viện và phòng tranh làm cô cảm thấy đau đầu. Vì thế, mọi người đều đồng ý với đề nghị đó, và theo ông Trương đi qua mấy chiếc sân đến một nơi đẹp tuyệt vời. Đi theo mấy bậc đá giữa các cột trụ hành lang để vào một vườn hoa, trong vườn có mấy hồ sen đẹp mê hồn. Từng chiếc lá sen nép sát vào nhau trông như một mảnh sân mong manh và ẩm ướt. Bên hồ là những bức tượng các con thú như sử tử, rồng, kỳ lân bằng đồng vàng, con nào cũng nhe nanh vuốt trông rất dũng mãnh như đang bảo vệ sự bình an cho cả khu vực đó. Toàn bộ khung cảnh đẹp hoàn mỹ đến mức không thể rời ánh mắt; ở đây hoàn toàn không có cảm giác phù hoa sa xỉ và bon chen, thậm chí đến cả ngọn núi Karakal có một không hai trên nền mái nhà bầu trời xanh biếc dường như cũng phải nghiêng mình trước khung hình nghệ thuật tuyệt mỹ. “Tiểu thiên đường”, Barnard không kìm được thốt lên. Lúc này, ông Trương dẫn mọi người đến một ngôi đình mở. Điều làm Conway càng thích thú hơn là trong đình có bày một chiếc đàn harp và một chiếc dương cầm hiện đại. Conway cho rằng về một vài mặt nào đó đây và điều ngạc nhiên nhất trong số những điều ngạc nhiên cậu đã được thấy trong buổi chiều hôm nay. Chỉ riêng về điểm này, ông Trương đã thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi của cậu. Ông Trương giải thích rằng các vị Lạt-ma rất quý trọng âm nhạc phương Tây, đặc biệt là các tác phẩm của Mozart; họ đã thu thập được các tác phẩm nổi tiếng và kinh điển của châu Âu, các vị Lạt-ma còn có thể diễn tấu các loại nhạc cụ rất xuất sắc nữa.
Barnard luôn thấy thắc mắc về việc vận chuyển những thứ đó, “Ông không cho chúng tôi biết rằng chiếc dương cầm này cũng được đưa đến bằng con đường chúng tôi đi hôm qua chứ!”
“Không có con đường nào khác cả”.
“Được rồi, con đường đó đương nhiên có thể vận chuyển bất cứ thứ gì! Chỉ cần thêm một chiếc máy hát và một chiếc đài là các ông có đủ bộ rồi! hoặc là các ông không biết đến thế nào là âm nhạc thịnh hành?”
“Ồ, đúng vậy, chúng tôi đã gửi báo cáo đi, nhưng có người đề nghị nói rằng trong núi có thể không nhận được sóng điện thoại không dây. Còn về máy hát cũng đã đề nghị với người có chức quyền rồi, nhưng họ thấy việc này không cần quá gấp.”
“Tôi tin, mặc dù ông không cho tôi biết”. Barnard căn vặn, “Tôi đoán nhất định đó là khẩu hiệu của xã hội các ông-“không vội”. Cậu ta cười lớn rồi nói tiếp: “Được thôi, nói cụ thể một chút, giả dụ đến lúc thích hợp, những người đứng đầu của các ông quyết định rằng họ thật sự cần một chiếc máy hát, vậy thì phải thông qua những trình tự gì? Các nhà chế tạo sẽ không đưa hàng đến đây, đó là điều khẳng định. Các ông chắc chắn phải đến Bắc Kinh, hoặc Thượng Hải, hoặc có đại diện ở một nơi nào khác, còn tôi dám đánh cược rằng khi các ông nhận được hàng, mỗi món đồ đều phải trả rất nhiều tiền.”
Nhưng ông Trương không còn hỏi gì đáp nấy như trước nữa, “Sự phán đoán của Ngài rất có lý, thưa Ngài Barnard, nhưng e rằng tôi không thể nói thêm gì về việc này.”
Conway cảm thấy họ lại một lần nữa rơi vào ranh giới của sự vô hình, mọi bí mật đều ẩn hiện trong đường ranh giới đó. Cậu muốn nhanh chóng bắt đầu lần tìm sợi đầu mối này trong đầu tiên, nhưng rồi sự ngạc nhiên mới đã lại ập tới làm dòng suy nghĩ này bị trì hoãn lại. Mấy người phục vụ đã bê lên những bát trà thơm nức. Lúc này, mấy người Tạng nhanh nhẹn khom người bước vào, trong nháy mắt, một cô gái mặc trang phục Trung Quốc cũng xuất hiện. Cô đi thẳng đến chỗ chiếc đàn harp, tấu lên một điệu Gavotte của Rameau, làm cho Conway đang chìm đắm vào điệu nhạc không khỏi sửng sốt. Khúc nhạc trong veo như tiếng chuông bạc của nước Pháp đầu thế kỷ 18 dường như hòa làm một với những bình hoa sứ đời Tống, với đồ gỗ sơn tuyệt mỹ và với hồ sen đẹp như trong tranh bên cạnh. Rồi thứ hương nồng nàn quấn quanh mỗi người như đưa sự bất hủ vượt mọi thời đại đến với thế giới tinh thần của những người xa lạ. Conway chú ý đến cô gái đang chơi đàn, chiếc mũi thanh tú, gò má cao, làn da trắng, là một cô gái người Mãn điển hình; mái tóc đen dài được tết gọn phía sau, trông cô đẹp hoàn hảo và nhỏ nhắn; đôi môi như những cánh hoa màu hồng; trông cô gái thật tĩnh lặng, chỉ có những ngón tay thon nhỏ lướt êm trên dây đàn. Đợi bản nhạc gavotte kết thúc, cô gái hơi cúi người rồi lui ra.
Ông Trương mỉm cười nhìn theo cô gái đi xa dần, rồi nói với Conway bằng niềm hân hoan: “Ngài hài lòng chứ?”
“Cô gái đó là ai?” Mallison chen vào khi Conway chưa kịp trả lời.
“Cô gái tên là La Trân”, cô ấy có đủ kỹ năng chơi cac loại nhạc cụ phương Tây. Cô ấy cũng như tôi chưa hoàn toàn được nhập đạo để trở thành Lạt-ma chân chính.”
“Tôi nghĩ chắc là chưa!” cô Brinklow ngạc nhiên, “Cô ấy trông như một đứa trẻ. Ở đây, các ông có Lạt-ma nữ không?”
“Chúng tôi không phân biệt giới tính”.
“Chế độ tăng lữ Lạt-ma của các ông thật rất kỳ lạ”. Ngừng một lát, Mallison chậm rãi bình luận. Rồi không ai nói gì nữa, chỉ ngồi yên lặng uống trà. Dư âm của tiếng đàn như vẫn còn lẩn khuất trong không trung, lưu lại những ấn tượng mạnh mẽ đến khó quên. Không lâu sau, ông Trương đưa mọi người rời khỏi ngôi đình, ông thể hiện sự hy vọng đã mang lại niềm vui cho mọi người qua cuộc du lãm này. Conway thay mặt mọi người cảm ơn ông, hai bên tiếp tục đáp lễ qua lại một hồi. Ông Trương bày tỏ rằng mình cũng rất vui và hy vọng, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở ngôi chùa Lạt-ma này, họ cứ tùy ý sử dụng các loại nhạc cụ và thư viện. Conway một lần nữa bày tỏ sự biết ơn với ông ta. “Thế còn những Lạt-ma khác?”, cậu nói thêm, “Chẳng phải họ cũng cần dùng sao?”
Bản dịch riêng cho www.luyendichtiengtrung.com
LỚP LUYỆN DỊCH VĂN BẢN liên tục nhận học viên bạn nhé!