Chi tiết bài viết
Chênh vênh trên miệng núi lửa
Cái số tui chắc là chưa có duyên với núi lửa sống, mà toàn có duyên dở với núi lửa chết!
Lần đầu mon men đến núi lửa Taal, đúng đợt đuôi bão, ngày ở Manila thì ngon lành, ngày đi hồ Taal thì mưa từ sáng đến tối, mưa nhưng tui vẫn cứ đi, hy vọng đến đó sẽ tạnh, mưa mãi nên cố lên thuyền ra núi giữa hồ, đường lên miệng núi chỗ thì trợn trượt, chỗ thì lổn nhổn, cưỡi ngựa hôi mù ê hết cả mông, ướt lướt thướt, về ngồi ăn trưa đã tạnh ráo, lại còn hửng nắng, cám cảnh!
Lần hai, ngày ở Yogyakarta nắng 38 độ, ra đường 1 tiếng khỏi phải nhuộm da nâu, đi thăm quần thể Borobudur về, bác xe ôm hỏi có đi xem núi lửa không thì tui phẩy tay, thôi, mai tui đi Bromo rùi - Núi lửa Bromo nổi tiếng nhất rùi, không cần xem núi khác đâu! Cũng vì cái nổi tiếng ấy mà tui còn ôm (hối) hận đến tận bi giờ đây này!
Hôm sau, một ngày vất vưởng trên ô-tô, 12h đêm đoàn mới đến được nhà nghỉ ở rìa làng Probolinggo, chia phòng, ăn uống, vệ sinh xong cũng đã 1 giờ sáng, ngủ khoảng 3 tiếng, 4 giờ phải dậy để đi hóng biển mây. Đường núi quanh co tối om mà các bác tài xe jeep vẫn cứ phi ầm ầm, xuống xe, trời mưa, lạnh 4 độ, đường lên view point trên núi Penanjakan cũng lại lổn nhổn, trơn, tối om, chỗ nào thấy ánh đèn pin thì biết đó là người cùng đoàn. Lên đến view point, hóa ra đoàn mình chưa phải sớm nhất, khá nhiều khách đã có mặt, nhìn mặt ai cũng ủ ê vì biết không còn hy vọng được ngắm những khoảnh khắc mặt trời mọc lên trên biển mây bồng bềnh. Mọi người vẫn cố chờ thêm, tui thì nào áo, nào khăn, dán cả miếng giữ nhiệt mà người vẫn cứ run vì lạnh, anh bạn TQ to cao béo múp mới quen trong đoàn ngưởi Liêu Ninh, mặc mỗi cái áo phông cộc tay, áo nỉ dài tay vắt trên cổ, thỉnh thoảng quay sang hỏi: "Mày lạnh thế cơ à!", "Ừ, nước tao, họa hoằn lắm mới có ngày 6-8 độ, những ngày này học sinh cấp 1 còn được nghỉ học ý!", hắn cười sằng sặc: "Tao thấy vẫn bình thường mà!", mình chỉ các bạn Tây xung quanh, họ cũng đều khăn áo mũ tất găng còn kỹ hơn cả mình: "Có mỗi mày không thấy rét thôi, Tây nó còn mặc ấm hơn cả tao đây này!". Hắn lại gật gù và cười sằng sặc!
Vẫn rét, vẫn mưa, trời sáng dần, xung quanh chỉ là một màu sương trắng, tất cả ngậm ngùi lục tục kéo nhau xuống núi! Xe jeep lại tiếp tục phi ầm ầm đến khu vực chân núi. Tengger là khu vực quần thể các ngọn núi lửa đã tắt, nếu thời tiết lý tưởng, từ view point hoặc từ đây, có thể nhìn thấy từ xa núi lửa Bromo đang nhả từng đợt khói trắng. Từ đường vào chân núi phải đi qua khu vực biển cát (Sea of Sand), cát tro bụi núi lửa, hạt to sần và có màu ghi xám.
Các xe đều dừng lại giữa chừng để khách có thể chụp toàn cảnh khu vực này!
Biển cát mênh mông....
Bãi đỗ xe tập trung phía rìa chân núi.
Từ đây, du khách có thể đi bộ hoặc thuê ngựa lên chân núi, người ta nói thách lắm, cứ mặc cả hết mình vào, họ đòi 100k Rp thì chỉ trả 30k rồi trả dần lên tới khoảng 50-60kRp là vừa.
Nhưng thực ra, đi bộ cũng có cái hay, đặt chân lên đám cát sạn hàng trăm triệu năm cũng đáng lắm. Ngọn núi xanh này cũng là một núi lửa đã tắt, chắc chắn núi nguội lạnh đã rất lâu nên giờ cây cối đã bắt đầu phủ xanh ngọn núi.
Còn bên cạnh đó, núi lửa Tengger đã tắt vẫn còn mang một màu xám xịt. Đây là một rãnh nứt dưới chân núi.
Các khe nứt quanh co tạo thành những bức tường...
Có vô số khe nứt quanh chân núi.
xem tiếp trang 2
Các mảng tường cát phơi trong mưa gió tạo ra những đường vân độc đáo.
Các nài ngựa đưa du khách tới chân cầu thang rồi ngồi chờ!
Từ chân núi, một cầu thang bê-tông cao khoảng 5-6 tầng nhà dẫn lên miệng núi.
Gờ miệng núi rộng khoảng hơn 1m, cát vẫn lạo xạo dưới chân.
Tui vận hết nội công, run rẩy rò rẫm từng bước, chỉ cần sơ xảy trượt chân sang bên trái, sau 15 giây sẽ trúng tâm lòng chảo, nổi được vài giây rồi lặn hẳn; chỉ cần trượt chân sang bên phải, sau khoảng 30 giây sẽ chạm đáy một rãnh núi hoặc kẹt lại ở một khe núi nào đó! Ơn Giời, tui vẫn còn đây để ngồi post này này!
Trong khi đó, một bạn gái dũng cảm đi ra tận cái mỏm cát phía xa hơn và tạo dáng đầy oai phong như thế này!
Một trong những "máng trượt" miễn phí cho những người tự nguyện đây!
Chỉ thấy cát và cát...!
Giữa khung cảnh một màu xám xịt ấy, những người dân nghèo bán những bó hoa để dâng cũng thần linh!
Những bó hoa dại nhiều màu sắc nổi bật trên màu cát xám!
Núi lửa được họ coi là vùng đất thiêng liêng...
Họ dâng cúng thần linh những bó hoa, cầu nguyện rồi mang đốt, để gửi gắm tấm lòng thành!
Vài bó hoa thôi cũng đủ để thấy sức sống hồi sinh trên vùng đất chết!
Phía xa xa, ngôi đền Pura Luhur Poten được xây dựng từ đá núi lửa, ngôi đền chỉ ồn ào vào dịp lễ hội Yadnya Kasada hàng năm, những ngày còn lại, Đền cứ lặng lẽ như vậy dưới chân núi!
Trên đường về, trời đã sáng nên mới thấy được cảnh vật ven đường!
Hầu như rất ít review về cảnh đẹp của ngôi làng này!
Ngôi làng xinh xắn lắm!
Xe chạy khá nhanh nên khó mà chụp được những bức ảnh về ngôi làng!
Nhưng cảm giác chung của mình là ngôi làng rất yên bình!
Cái yên bình ấy không ống kính nào miêu tả được, mà chỉ bằng mắt thường mới có thể cảm nhận được. Lịch trình đã có nên đành phải theo, nhưng trong cái tiếc cũng có cái may, là nhờ quyết đi theo lịch nên tui mới được long nhong chạy theo một đám cải táng lớn chưa từng thấy (theo lời người dân và thực sự là rất to) đậm màu bản sắc của một Hoàng thân ở Ubud (hẹn bài sau nha!). Ngôi làng vẫn còn đó, hẹn một ngày quay lại!
Hẹn ngày trở lại trong nắng và gió!
Ảnh từ Internet: Cảnh thần tiên ấy trong ngày nắng đẹp,
See more MY TRAVEL PICTURES here.
LDTTg - Tháng 5/2013