Chi tiết bài viết
Đường chân trời đã mất - Chương 5-2
Câu chuyện này nếu nói tiếp sẽ rất phức tạp và cũng không cần thiết. Đã sắp đến giờ ăn trưa, các món ăn ở đây rất đặc sắc, hơn nữa được làm rất nhanh nên để lại ấn tượng vui vẻ cho mọi người. Sau đó, khi ông Trương đến, họ lại suýt cãi nhau. Người Trung Quốc đó vẫn tỏ ra thân thiết với mọi người bằng dáng vẻ khoan dung đại lượng và thông minh, còn bốn con người bị lưu lạc này cũng phải chấp nhận theo sự sắp xếp. Khi ông Trương đề nghị đưa họ đi thăm mấy ngôi chùa Lạt-ma khác nếu họ muốn, và ông nguyện làm người dẫn đường, họ đều lập tức đồng ý: “Được thôi, đương nhiên là muốn đi xem rồi”, Barnard nói, “Tốt nhất chúng tôi nên tranh thủ thời gian ở đây đi thăm thú khắp nơi. Nếu tôi có ý định quay lại nơi này thì cũng không biết là vào lúc nào nữa”.
Cô Brinklow bỗng nói một câu rất sâu sắc: “Khi tôi lên máy bay rời khỏi Baskul, đến nằm mơ cũng không thể ngờ được sẽ đến nơi này”. Cô gái lắp bắp khi họ bắt đầu xuất phát dưới sự hướng dẫn của ông Trương.
“Cho đến giờ chúng tôi cũng không thể biết được tại sao lại đến đây”. Barnard không quên nói thêm.
Conway không hề có định kiến gì về sắc tộc hoặc màu da, nhưng đó cũng là sự giả bộ của cậu, giống như khi cậu ở câu lạc bộ và trong khoang xe thượng hạng, cậu đặc biệt chú ý che dấu mức độ “trắng” trên khuôn mặt đỏ dưới vành mũ che nắng. Sự giả bộ như vậy đã giúp cậu bớt đi được nhiều phiền phức, đặc biệt là ở Ấn Độ. Conway là một người có thể tùy cơ ứng biến để tránh phiền phức. Nhưng ở Trung Quốc thì không cần như vậy. Cậu có rất nhiều bạn bè Trung Quốc, hơn nữa cậu chưa từng nghĩ sẽ coi họ là những người hạ đẳng. Vì thế trong giao tiếp với ông Trương, cậu nhìn nhận người đàn ông lịch thiệp này rất chuẩn xác rằng không thể hoàn toàn tin cậy, nhưng nhất định ông ta là một người thông minh và uyên bác. Nhưng cách nhìn nhận của Mallison về ông ta lại chỉ giới hạn bởi trực giác của bản thân và ảo tưởng; cô Brinklow láu lỉnh và hoạt bát, coi ông Trương như một giáo đồ dị giáo ngu muội; Barnard thì lại cho rằng ông ta giống như một người quản gia thân thiện và giỏi giao tiếp.
Cuộc hành trình Shangri-La lần này đầy thú vị đủ để vượt qua mọi thành kiến. Đây không phải cơ cấu ngôi chùa đầu tiên Conway từng tham quan, nhưng lại là ngôi chùa lớn nhất cậu từng thấy, ngoài vị trí địa lý rất xa xôi ra, đó cũng là ngôi chùa lạ thường nhất. Chỉ riêng đường hành lang nối giữa các phòng với sân cũng đã đi hết một buổi chiều. Thực vậy, Conway rất chú ý đến những ngôi nhà kiểu căn hộ nơi cậu đi qua, thậm chí còn có cả một số toà nhà nhưng ông Trương không cho phép họ vào đó. Sau khi kết thúc tham quan, mỗi người sau khi xem xong đều có cách nhìn nhận riêng của mình . Barnard lúc nào cũng tin rằng Lạt-ma rất giàu, cô Brinklow đã phát hiện được rất nhiều bằng chứng chứng minh sự bại hoại đạo đức của những Lạt-ma này. Sau khi Mallison mất dần cảm giác mới lạ ban đầu, cậu phát hiện ra đây không nhẹ nhàng hơn bao nhiêu so với những nơi có độ cao thấp hơn khác, những vị Lạt-ma này e rằng không thể trở thành người anh hùng trong lòng cậu.
Conway luôn cảm nhận được sự hấp dẫn của nơi này. Không có bất kỳ thứ gì thu hút cậu mê say đến thế, sự tao nhã, phong cách hoàn hảo không tỳ vết và mùi hương quấn quýt tâm can, dường như không cần mở mắt cũng có thể ngửi thấy hương vị thanh cao của nó. Cậu phải rất cố gắng mới có thể dứt mình ra khỏi cơn mê của một nhà nghệ thuật, để trở lại với con người sành sỏi, rồi cậu nhận ra rằng nhà bảo tàng và những người giàu có đó đều hy vọng sẽ lấy được báu vật: như đồ sứ màu xanh ngọc tinh xảo đời Tống, bức tranh cổ vẽ bằng mực màu đã được cất giữ hơn ngàn năm, rồi những đồ sơn gỗ tiên cảnh ẩn hiện được miêu tả hài hòa như một bản nhạc. Không sự tinh túy nào trên thế giới vẫn còn lưu giữ lại được như trong đồ sứ và gỗ véc-ni, thứ cảm xúc sinh ra trong chốc lát tan biến trong dòng suy nghĩ thuần khiết. Không khoe khoang, không cố ý để lại ấn tượng cho mọi người, cũng không tấn công mạnh mẽ vào tình cảm của người xem. Những báu vật được chế tác tinh xảo và hoàn mỹ này tỏa ra thứ mùi thanh cao như được lan tỏa theo gió từ những cánh hoa tươi. Những báu vật này chắc chẵn sẽ làm các nhà sưu tập phát cuồng, nhưng Conway không phải là nhà sưu tập; cậu không có tiền và cũng không có máu hám lời; sự yêu thích nghệ thuật Trung Quốc của cậu chỉ là thứ cảm nhận tâm linh. Trong cái thế giới ngày càng to lớn và ồn ào này, không ai biết được cậu bắt đầu chìm đắm vào những thứ đồ cao quý, tinh xảo và xinh xắn đó, cậu đi qua hết gian phòng này đến gian phòng khác, vừa hình dung dãy núi Karakal hùng vĩ với dòng sông băng khổng lồ, chúng trái ngược hẳn với những báu vật mỏng manh đầy quyến rũ này.
Những đồ vật bày trong ngôi chùa Lạt-ma không chỉ có những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Trung Quốc. Ví dụ như một trong những sự đặc sắc của chúng là gian thư viện được mọi người say mê, sừng sững và rộng rãi, gian phòng chứa đựng một lượng sách khổng lồ. Những cuốn sách ẩn mình trong các giá đỡ và các hộc làm cho không gian nơi đây đầy ắp kiến thức và sự trang nghiêm. Sau khi nhanh chóng lướt mắt qua những giá sách, Conway kinh ngạc phát hiện ra rằng ngoài các tác phẩm văn học hay nhất trên thế giới; còn có các tư liệu cực kỳ quý hiếm và khó hiểu, chúng làm cậu sững sờ. Sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga đều có, lại còn một lượng lớn sách tiếng Trung và bản thảo viết tay của các ngôn ngữ Phương Đông khác nữa. Điều đặc biệt làm cậu cảm thấy hứng khởi là những các tác phẩm được viết bằng tiếng Tạng. Cậu chú ý đến những bộ sách hiếm có như Novo Descubrimento de grao catayo ou dos Regos de Tibet, của Antonio de Andrada (Lisbon, 1626); Athanasius Kircher's China (Antwerp, 1667); Thevenot's Voyage à la Chine des Pères Grueber et d'Orville; and Beligatti's Relazione Inedita di un Viaggio al Tibet. Khi cậu đang xem xét lại những cuốn sách lần cuối thì thấy ông Trương đang quan sát cậu bằng ánh mắt hiếu kỳ. “Chắc Ngài phải là một học giả?, ông ta hỏi.
Conway thấy rất khó trả lời. Cậu đã từng làm giám sát ở Đại học Oxford nên cũng có thể trả lời là đúng. Nhưng cậu hiểu rằng, hai từ “học giả” tuy là sự đánh giá cao nhất của một người Trung Quốc dành cho mình, nhưng sẽ là sự hợm mình nếu đến tai một người Anh. Nhưng cái chính là cậu cân nhắc đến những người bạn của mình, cậu phủ nhận một cách khéo léo: “Tất nhiên, tôi rất thích đọc sách, nhưng mấy năm làm việc gần đây tôi không có dịp để nghiên cứu”.
“Nhưng Ngài mong muốn có cơ hội đó”
“Ồ, cũng không hoàn toàn như vậy, nhưng tôi hiểu được sức cuốn hút của nó”.
Mallison cầm lên một cuốn sách và cắt đứt cuộc nói chuyện của hai người: “Ở đây có những thứ cho anh nghiên cứu đấy, Conway. Bản đồ quốc gia này.”
“Chúng tôi đã sưu tập được mấy trăm tấm bản đồ”, ông Trương nói, “Các Ngài có thể xem hết, nhưng có lẽ tôi có thể giúp các Ngài bớt đi một vài phiền phức. Các Ngài sẽ không thể tìm thấy Shangri-La được đánh dấu trên bất kỳ tấm bản đồ nào.”
“Thật kỳ lạ”, Conway thốt lên, “Tôi rất muốn biết tại sao vậy?”
“Đó là lý do rất chính đáng, nhưng tôi e rằng không thể nói ra được.”
Conway cười nhưng Mallison xem ra lại bắt đầu cáu kỉnh. “Vẫn là trò úp úp mở mở”, cậu ta nói, “Cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy có điều gì đáng để dấu giếm cả”.
Bản dịch riêng cho www.luyendichtiengtrung.com