Chi tiết bài viết

Dịch Trung - Việt, cần chú ý những gì?

(LDTTg) ... hoặc nhiều khi đối tác hỏi bâng quơ cho có chuyện thôi, người dịch mà không dịch được hoặc nói là “Tui không bít!” thì quê phết đấy!

Trước tiên, Bạn phải xác định là cứ chuyển từ nội dung tiếng Trung sang tiếng Việt, cho dù là nội dung gì thì công việc đó đều gọi chung là dịch thuật.

Dịch Trung – Việt luôn thuận lợi hơn so với dịch Việt – Trung, vì bạn được diễn đạt bằng tiếng Việt. Đối với các nội dung, cấu trúc câu đơn giản thì dễ rồi, chỉ việc đọc, hiểu và dịch. Còn đối với các câu phức tạp hơn thì phải làm thế nào?

Dịch Việt - Trung cần chú ý những gì?

Phiên dịch văn phòng dịch những gì?

Sổ tay tự học dịch tiếng Trung

----- 

Nắm vững cấu trúc câu:

Hiện nay, khi gặp phải những câu hơi khó một chút, đa phần các bạn thấy khó xử lý là do bạn chưa nắm được cấu trúc câu. Mỗi loại ngôn ngữ đều có cấu trúc câu riêng, cấu trúc câu được ví như bộ khung của một ngôi nhà, có thể bạn phân biệt được đâu là mái, là xà, là dầm, là cửa chính, là cửa sổ, nhưng nếu không nắm được vị trí cụ thể của từng phần đó, thì có ghép lại cũng không thể thành hình của một ngôi nhà, hoặc nhà người ta thiết kế 2 tầng thì bạn lắp ghép thành 2 gian nhà một tầng.

Đó là những trường hợp bạn dịch câu đó theo từ, dịch theo cách hiểu mơ hồ, nên kết quả là người đọc không hiểu câu dịch của bạn muốn nói lên cái gì, hoặc sẽ bị sai ý. Nếu là dịch khẩu ngữ, cách dịch này còn có thể cứu vãn được nếu ngay sau khi dịch, bạn hiểu ra ý đúng của câu, bạn vẫn có thể dịch bổ sung, còn dịch viết thì “bút sa gà chết”, “hậu họa khó lường”.

Mỗi cấu trúc câu đều có cách diễn đạt gần như là cố định, một ví dụ đơn giản đây: ……之日起 = Kể từ ngày……; khi gặp phải kết cấu này thì bạn chỉ việc bê nguyên cả cụm “Kể từ ngày….” và dịch nốt phần còn lại, đơn giản chưa?

Nếu bạn chú ý từ khi học cơ bản, và chú ý kết hợp với việc dịch ngay các bài khóa thì sẽ nhớ lâu hơn, vì vậy, hãy giở lại sách vở cũ ra, học lại từ các cấu trúc đơn giản, đánh dấu vào các cấu trúc đặc biệt, các cấu trúc thường gặp trong công việc.

Hãy chuẩn bị cho bản thân khả năng dịch văn bản, Hợp đồng thật tốt trước khi chính thức bắt tay vào công việc!

Dịch văn bản tốt, Bạn sẽ tự tin hơn và khả năng thương lượng về mức lương và ưu đãi sẽ cao hơn!

Học thử nhé! Đây là website HỌC DỊCH TIẾNG TRUNG ONLINE duy nhất ở Việt Nam có thể giúp Bạn làm quen với các nội dung trong Hợp đồng;

 

Cập nhật vốn từ, chủ động tra cứu từ mới:

Khi dịch Trung-Việt, mỗi nội dung, mỗi từ vựng đều là cơ hội để bạn cập nhật vốn từ. Từ vựng học trong trường chỉ là những từ cơ bản nhất để bạn có thể giao tiếp hoặc đọc hiểu những nội dung đơn giản, còn lại đều phải do bản thân tự học, mà cách học từ hiệu quả nhất là học qua các bài dịch. Không có trường lớp nào dạy tất cả từ vựng của một chuyên ngành, bạn cũng không thể biết được mình sẽ chỉ làm việc trong chuyên ngành nào để mà học từ của chuyên ngành đó!

Báo mạng chính là nguồn từ vựng phong phú nhất cho các bạn. Khi vào bất kỳ một trang mạng tiếng Trung nào, bạn đều có thể tìm thấy vô số chủ đề được phân loại khá rõ ràng. Mỗi ngày hãy chọn một chủ đề, ngại dịch bài dài thì tìm bài ngắn, cố gắng dịch trọn vẹn bài đó, gặp từ mới thì tra cứu cho bằng được, có thế mới nhớ được từ, chứ nếu có từ mới cho sẵn thì may ra nhớ được 3-4 từ/10 từ.

Ngoài ra, bạn nên tìm những bài hot hoặc mang tính thời sự, vì các nội dung đó luôn có sẵn bài tiếng Việt, nếu bạn đã đọc nội dung đó bằng tiếng Việt thì khi gặp một từ mới trong bài, bạn có thể đối chiếu hoặc sẽ hiểu ngay từ đó có ý nghĩa gì, một công đôi việc, vừa học được từ tiếng Trung, vừa cập nhật được thông tin!

Việc cập nhật thông tin xã hội, chuyên ngành và từ vựng rất quan trọng đối với người làm phiên dịch. Khi đi thi tuyển công việc, có khi ăn nhau ở chỗ bạn có nhiều kiến thức xã hội hơn ý, hoặc nhiều khi đối tác hỏi bâng quơ cho có chuyện thôi, người dịch mà không dịch được hoặc nói là “Tui không bít!” thì quê phết đấy!

Mình đã lập trang www.tratuchuyennganh.com và chia sẻ cho mọi người đây, trang này tập hợp từ vựng các chuyên ngành mình đã từng dịch, đã kiểm chứng và sưu tầm, từ vựng của nhiều lĩnh vực, dễ tra cứu bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung, mời mọi người tham khảo nhé!

 Cố gắng diễn đạt thuần Việt nhất:

Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, câu cú, từ ngữ phải cố gắng giống tiếng mẹ đẻ nhất. Với bất kỳ kết cấu tiếng Trung nào cũng cần phải tìm cách diễn đạt  xuôi nhất, dễ hiểu nhất, mang tính bản địa nhất.

Ví dụ: 用毛笔写字, phải dịch là: Viết (chữ) bằng bút lông; chứ không nên dịch là: Dùng bút lông để viết – ý nghĩa không sai nhưng cách hành văn không thuần Việt!

Xử lý những đoạn khó dịch:

Văn bản tiếng Trung cũng như tiếng Việt thôi, có người viết dễ hiểu, có người viết khó hiểu, khi gặp những đoạn văn bản khó hiểu, hãy tạm bỏ qua đoạn đó, dịch đoạn tiếp theo trước, thậm chí dịch hết bài rồi hãy quay lại đoạn khó. Khi bạn dịch hết bài, bạn đã hiểu được nội dung thì sẽ dễ dàng xử lý được đoạn khó dịch đó.

Xử lý các nội dung chuyên ngành:

Vấn đề này hay gặp lắm nha! Khó nhưng mà hay, vì từ việc dịch, bạn sẽ có dịp tìm hiểu thêm về những chuyên ngành mà hiếm khi “Bỗng dưng tìm hiểu”. Phần lớn từ chuyên ngành hay đi kèm tiếng Anh, nên nếu không thể dịch thẳng từ tiếng Trung sang tiếng Việt, bạn có thể tìm hiểu và dịch qua tiếng Anh. Hãy tìm kiếm các bài viết liên quan bằng tiếng Việt, khi đã nắm được sơ bộ về ngành đó, việc dịch sẽ thuận lợi hơn, việc tìm kiếm này hơi mất thời gian nhưng sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều.

Phải biết tưởng tượng:

Yêu cầu này đặc biệt áp dụng khi dịch kỹ thuật và dịch văn học!

Dịch kỹ thuật: Mỗi loại máy móc, thiết bị đều có cấu tạo, nguyên lý, quy trình  hoạt động riêng. Khi dịch đến loại máy móc nào, nếu bạn chưa biết về loại máy đó, phải kết hợp tìm hiểu bằng hình ảnh, bằng tiếng Việt, để nắm được những thông tin cơ bản nhất. Khi dịch đến các chi tiết cấu tạo, nhất là nguyên lý hoạt động, thì hãy hình dung theo miêu tả trong tiếng Trung để diễn đạt sang tiếng Việt, nếu cần, tra thêm các từ chuyên ngành.

Dịch văn học: Người dịch là người tiếp xúc với bản gốc đầu tiên, sự miêu tả của người dịch sẽ dẫn dắt độc giả đi theo cốt truyện, vì thế, nếu bạn hình dung ra được những gì tác giả miêu tả, diễn đạt càng chi tiết, càng sống động, thì độc giả cũng sẽ thấy cuốn hút hơn. Tuy nhiên, sự hình dung và cách diễn đạt của bạn được đánh giá là hay hay là dở, điều này còn phụ thuộc vào cái gu (goût) của người biên tập. Nếu giọng văn của bạn hợp với họ, bản dịch sẽ được đánh giá là hay và ngược lại, cứ cố gắng hết mình thôi!

Dịch tên người:

Đây là nội dung dịch dễ nhất, tuy nhiên cũng cần chú ý là: Người nước ngoài sang công tác, du lịch, học tập tại Việt Nam, tên của họ có thể dịch ra tiếng Việt theo âm Hán – Việt, nhưng trong các loại giấy tờ, nên viết phiên âm, tên bằng tiếng Việt có thể dịch nhưng cho vào trong ngoặc ở bên cạnh. Căn cứ pháp lý về họ tên của người nước ngoài chính là Hộ chiếu, vì vậy, hãy lấy tên phiên âm Latin trong hộ chiếu làm chuẩn.

Đặc biệt chú ý phiên âm tên của khách Đài Loan, HongKong, Singapore……và các nước có sử dụng tiếng Trung, trừ TQ đại lục. Thông thường, nếu là khách TQ đại lục thì dễ rồi, cứ viết phiên âm chuẩn là được, nhưng với khách từ các nước khác, tốt nhất nên mượn hộ chiếu của họ để sao chép họ tên, hoặc đề nghị họ tự viết, vì cách phiên âm của họ khác với phiên âm của đại lục, tránh rắc rối, mất thời gian cho các công việc phải công chứng hoặc khi làm việc với chính quyền. (LDTTg)

Đón đọc bài tiếp theo:  ĐỂ DỊCH TỐT VIỆT - TRUNG, CẦN CHÚ Ý NHỮNG GÌ